18:53 23/05/2024

Gỡ “nút thắt” liên kết, thúc đẩy kinh tế vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Anh Nhi

“Nút thắt” lớn trong phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc là liên kết nội vùng và liên vùng kém, đặc biệt theo hướng Đông – Tây…

Sáng ngày 24/5, chia sẻ thông tin trước thềm Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và Miền núi phía Bắc và Công bố quy hoạch Vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết “nút thắt” liên kết nội vùng đang khiến khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh còn nhiều bất cập, khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế - xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng, kể cả với một số tỉnh trong cùng tiểu vùng.

BỨT PHÁ ĐỂ PHÁT TRIỂN

Nhận thức được quy hoạch phải đi trước một bước và cần có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh sẵn có của các lĩnh vực, khu vực, địa phương và tháo gỡ, hóa giải những hạn chế, yếu kém, mâu thuẫn, thách thức, khó khăn, đồng thời tạo ra động lực mới, thu hút nguồn lực mới cho phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các địa phương trong vùng triển khai xây dựng Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nghiêm túc, bài bản, công phu, khoa học và tuân thủ đúng quy định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 369/QĐ-TTg ngày 04/5/2024 phê duyệt Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, bản Quy hoạch vùng này có ý nghĩa quan trọng, với tư duy mới, tầm nhìn mới, có sự bứt phá hướng đến việc chủ động kiến tạo để phát triển; tập trung xác định và giải quyết các vấn đề lớn, có tính liên ngành, liên vùng, liên tỉnh; mạnh dạn tái cơ cấu kinh tế, tổ chức lại không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh 8 chữ "Bản sắc – Sinh thái - Liên kết – Hạnh phúc" để thể hiện nội dung của Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Trong đó, phát triển kinh tế phải đi kèm với tiến bộ, công bằng xã hội, lấy sự hạnh phúc của người dân làm thước đo về sự thành công của định hướng phát triển”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT NỘI VÙNG VÀ LIÊN VÙNG

Coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển của các địa phương trong vùng. Liên kết vùng nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, lợi thế nhờ quy mô của cả vùng, nhất là lợi thế về kinh tế lâm nghiệp, giúp giải quyết những vấn đề phát triển chung của vùng, nhất là trong bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, bão, lũ và thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa vùng với các vùng trong cả nước.

Theo Bộ trưởng, liên kết vùng trong bản Quy hoạch vùng đã tập trung vào 4 nội dụng.

Thứ nhất, tập trung phát triển hạ tầng kết nối vùng. Trong đó, ưu tiên các kết nối kết nối vùng với Thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng, tiểu vùng Bắc Trung Bộ và quốc tế; các kết nối Đông - Tây; kết nối quốc tế qua Lào; kết nối về phía biển, các sân bay, cảng và các cửa khẩu quan trọng, với việc ưu tiên nâng cấp các tuyến đường sắt liên vận với Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai và cửa khẩu Hữu Nghị; đẩy nhanh tiến độ khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Đồng thời, liên kết để phát triển theo 05 hành lang kinh tế (Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội; Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội; Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội), và khu vực động lực tại vành đai Bắc Giang - Thái Nguyên - Phú Thọ gắn với vùng Thủ đô.

Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển vùng và liên kết vùng đủ mạnh. Tăng cường vai trò của các địa phương trong Hội đồng điều phối vùng, bảo đảm liên kết vùng xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các địa phương, trong đó tập trung vào những vấn đề then chốt như: (i) Điều tiết, cân bằng lợi ích giữa các địa phương như xử lý các xung đột về lợi ích, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; (ii) Điều hòa lợi ích của quốc gia và lợi ích của từng địa phương và (iii) Khuyến khích liên kết tự nguyện giữa các địa phương thông qua các chương trình hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật và chính sách tạo thuận lợi, khuyến khích địa phương liên kết.

Thứ ba, phát triển nguồn nhân lực, tăng cường phối hợp và liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực; chia sẻ, liên kết trong phát triển khoa học và công nghệ hướng vào giải quyết những vấn đề công nghệ đặt ra trong phát triển vùng; hình thành và tăng cường liên kết mạng lưới các trung tâm ứng dụng công nghệ cao.

Thứ tư, liên kết các địa phương trong khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch và kinh tế cửa khẩu; tích cực xử lý các vấn đề mang tính chất vùng như môi trường, sinh thái, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, an ninh nguồn nước, an ninh rừng.