08:00 21/05/2024

Mới 9% tổng số km đường sắt đô thị theo quy hoạch được triển khai tại Hà Nội

Ánh Tuyết

TP. Hà Nội, hiện mới đưa vào khai thác tuyến metro Cát Linh - Hà Đông 13 km; đồng thời, đang thi công xây dựng 2 tuyến dài 24 km là: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nhổn - Ga Hà Nội. Như vậy, mới có gần 9% tổng số km đường sắt đô thị được triển khai theo quy hoạch, các tuyến còn lại đang chuẩn bị đầu tư song rất chậm...

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị đề án tổng thể cần phát huy được nguồn lực từ đất đai thông qua phát triển đô thị theo các ga, tuyến đường sắt đô thị.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị đề án tổng thể cần phát huy được nguồn lực từ đất đai thông qua phát triển đô thị theo các ga, tuyến đường sắt đô thị.

Bộ Giao thông vận tải vừa có Báo cáo số 5108/BC - BGTVT gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Tổ trưởng Tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo, để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị TP. Hà Nội và TP.HCM về tiến độ triển khai 4 dự án đường sắt đô thị đang triển khai trên địa bàn hai thành phố.

CHUẨN BỊ DỰ ÁN MỚI CHẬM TRỄ, HÀ NỘI RỐT RÁO THI CÔNG HAI TUYẾN

Tại Thủ đô, theo quy hoạch được duyệt, TP. Hà Nội sẽ xây dựng 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 417,8 km.

Đến nay, TP. Hà Nội mới hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác vận hành 1 tuyến (Cát Linh - Hà Đông, 13 km) và đang thi công xây dựng 2 tuyến (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo và Nhổn - Ga Hà Nội, 24 km). Các tuyến còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tuy nhiên rất chậm.

Về tiến độ các dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang triển khai, Bộ Giao thông vận tải cho biết về dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội (Tuyến số 3), tiến độ tổng thể dự án đạt 78,52%, trong đó, đoạn trên cao đạt 99,95%, đoạn ngầm đạt 34,1%.

 

Bộ Giao thông vận tải cho biết tính đến đầu tháng 5/2024, toàn bộ đoạn trên cao đã hoàn thành thi công và lắp đặt, hiện đang triển khai ở bước thử nghiệm cuối cùng - vận hành thử. Song song với công tác vận hành thử, chủ đầu tư đang tiếp tục chỉ đạo tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh các thủ tục để vận hành đoạn trên cao metro Nhổn - ga Hà Nội vào tháng 6/2024.

Các gói thầu đã hoàn thành: CP01 (tuyến trên cao), CP02 (các ga trên cao), CP04 (Hạ tầng kỹ thuật Depot) và CP05 (kiến trúc Depot).

Các gói đang triển khai: CP03 (hầm và các ga ngầm) đạt 42,22%; CP06 (hệ thống đường sắt 1 gồm: đầu máy toa xe, thiết bị Depot, OCC/SCADA, tín hiệu, thông tin liên lạc, cấp điện) đạt 91,5%; CP07 (hệ thống đường sắt 2 gồm điện và cơ khí) đạt 47%; CP08 (hệ thống đường sắt 3 gồm ray, ghi, ray cấp điện) đạt 73,2%, riêng đoạn trên cao đạt 100%; CP09 (hệ thống vé) đạt 84,7%, riêng đoạn trên cao đạt 98,3%.

Hiện tại, công tác nghiệm thu, bàn giao đang được chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước: Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tham gia, phối hợp chặt chẽ để hỗ trợ đảm bảo kế hoạch sớm đưa vào vận hành thương mại đoạn trên cao.

Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, đối với đoạn tuyến ngầm gồm: gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm) sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), đến nay tiến độ đạt 42,22%. Các đơn vị liên quan đang tập trung đẩy nhanh thi công kết cấu các ga ngầm để sớm khởi động thi công máy khoan hầm TBM trong quý 2/2024.

Về gia hạn hiệp định vay, đến nay đã có 3/4 hiệp định vay được gia hạn. Cụ thể, Bộ Tài chính đã ký thoả ước sửa đổi với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), hợp đồng cấp vốn sửa đổi với Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) và thoả ước vay sửa đổi với Chính phủ Pháp (DGT).

Ngoài ra, Bộ Tài chính và nhà tài trợ ADB đang hoàn thiện các thủ tục để ký kết phân bổ vốn vay.

Được biết, dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội có tổng chiều dài tuyến chính 12,5 km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm khoảng 4 km, 1 Depot tại phường Minh Khai, huyện Bắc Từ Liêm.

Công trình sử dụng đường sắt khổ đôi 1.435 mm; 8 ga trên cao, 4 ga ngầm. Tổng mức đầu tư dự án là 34.826,05 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA của 4 nhà tài trợ gồm: Chính phủ Pháp (DGT), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn trong nước.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Tuyến số 2) có tổng chiều dài tuyến 11,5 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km. Dự án có 1 depot tại Xuân Đỉnh diện tích 17,5 ha, 3 ga trên cao và 7 ga ngầm, 10 đoàn tàu; đường sắt đôi khổ 1.435mm.

 

Tuyến metro Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu Yên Nhật), sử dụng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Dự án đang dự kiến điều chỉnh hoàn thành đưa vào khai thác 2029 và 2 năm đào tạo vận hành đến năm 2031 theo đề nghị của UBND TP. Hà Nội.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 19.555 tỷ đồng (tương đương 131.023 triệu Yên Nhật). Tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh là 35.588 tỷ đồng (tương đương 200.744 triệu Yên Nhật), sử dụng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Thời gian thực hiện dự án là từ năm 2009 - 2015. Dự án đang dự kiến điều chỉnh hoàn thành đưa vào khai thác 2029 và 2 năm đào tạo vận hành đến năm 2031 theo đề nghị của UBND TP. Hà Nội.

Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện công tác giải phóng mặt bằng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo cơ bản thực hiện xong các ga và đoạn tuyến trên cao và 5/7 ga ngầm. Khu Depot đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp, đất ở chưa thực hiện.

Do dự án chưa được điều chỉnh chủ trương đầu tư nên không thực hiện được việc ký kết Hiệp định vay, theo ý kiến của Bộ Tài chính và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA chỉ thực hiện việc ký kết Hiệp định vay sau khi dự án điều chỉnh được phê duyệt.

Đồng thời, chưa nghiên cứu bổ sung thiết kế cơ sở, chi phí cho đoạn tuyến từ ga C8 đến ga C10 theo phương án ga C9 điều chỉnh. Đại sứ quán Nhật Bản chỉ đồng ý huy động tư vấn để triển khai nghiên cứu sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Hiện UBND TP. Hà Nội đã trình điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có ý kiến thẩm định. UBND TP. Hà Nội đang tổng hợp giải trình, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2024.

PHÁT HUY NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI BÁM METRO

Trên cơ sở báo cáo, đề xuất của chủ đầu tư, với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn - ga Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư tập trung, chỉ đạo tư vấn, nhà thầu thi công và các đơn vị liên quan hoàn thành công tác vận hành thử, hoàn thiện các thủ tục đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu hoàn thành công trình trong tháng 5/2024 đoạn trên cao, làm cơ sở báo cáo và mời Hội đồng kiểm tra Nhà nước kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng để đưa vào khai thác đoạn trên cao.

Bộ Xây dựng chỉ đạo Cơ quan thường trực của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước
về công tác nghiệm thu công trình xây dựng phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư thực hiện công tác kiểm tra nghiệm thu theo quy định, đảm bảo chất lượng. 

Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam chủ trì phối hợp với chủ đầu tư thực hiện công tác đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống theo quy định.

Bộ Tài chính làm việc với nhà tài trợ ADB hoàn thiện các thủ tục để ký kết
phân bổ vốn vay, giải ngân cho gói thầu CP03 (hầm và các ga ngầm).

Với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm xem xét nội dung giải trình của UBND TP. Hà Nội và tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án để triển khai các công việc tiếp theo.

Tuần vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải để chỉ đạo tiến độ triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị tại hai thành phố.

Thông tin từ cuộc họp cho thấy hai thành phố đang triển khai xây dựng đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị trình Bộ Chính trị; cũng như các công tác chuẩn bị khác như: thuê tư vấn nghiên cứu tiền khả thi, khả thi, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư…

Lãnh đạo Chính phủ đề nghị đề án tổng thể cần đánh giá tác động đầy đủ, kỹ lưỡng, tính khả thi, khả năng huy động nguồn lực đầu tư từ trung ương, địa phương và xã hội hoá với các hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), PPP (hợp tác công-tư)… Đồng thời phát huy được nguồn lực từ đất đai thông qua phát triển đô thị theo các ga, tuyến đường sắt đô thị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng lưu ý đề án phải làm rõ quan điểm về huy động nguồn lực thực hiện, mô hình vận hành, vị trí, không gian thi công. Đồng thời giải quyết được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đường sắt đô thị vừa qua như kéo dài, đội vốn, công nghệ, thiết bị thiếu đồng bộ.

Để  hoàn thiện mạng lưới metro theo quy hoạch, đây là khối lượng công việc rất lớn, do đó, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng cần có gói giải pháp tổng thể, đột phá, đồng bộ về công nghệ xây dựng, quản lý, vận hành cho hệ thống đường sắt đô thị cho hai thành phố, đặt nền móng cho ngành công nghiệp đường sắt đô thị.