Gói 6.600 tỷ đồng sẽ hỗ trợ tiền thuê nhà cho 3,4 triệu lao động
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ có khoảng 3,4 triệu người lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà, tổng giá trị gói hỗ trợ là 6.600 tỷ đồng…
Thông tin được Bộ Lao động – Thưong binh và Xã hội cho biết tại họp báo về Quyết định quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động của Chính phủ, chiều 30/3.
ĐƠN GIẢN THỦ TỤC HỖ TRỢ
Theo đó, Quyết định quy định người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp tại khu công nghiệp, khu chế xuất hoặc khu vực kinh tế trọng điểm được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, phương thức chi trả hằng tháng.
Với người lao động quay trở lại thị trường lao động, mức hỗ trợ là 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 3 tháng, phương thức chi trả hằng tháng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hồ sơ đề nghị hỗ trợ gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Trường hợp trong danh sách có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người lao động mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm bản sao danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.
Về trình tự, thủ tục, người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động, niêm yết công khai tại nơi làm việc ít nhất 3 ngày làm việc. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực thông tin của người lao động.
Sau đó, người sử dụng lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (thời gian xử lý của cơ quan bảo hiểm xã hội là 2 ngày).
Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ (thời gian xử lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện là 2 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là 2 ngày).
Người sử dụng lao động chi trả cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự kiến sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách này, với tổng giá trị gói hỗ trợ là 6.600 tỷ đồng.
TRÁCH NHIỆM RẤT LỚN CỦA ĐỊA PHƯƠNG ĐỂ TRÁNH TRỤC LỢI
Để tránh trục lợi chính sách, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội khẳng định, thủ tục sẽ đơn giản nhất có thể nhưng vẫn đảm bảo đúng quy định, trong đó quan trọng là có xác nhận của cơ quan bảo hiểm xã hội. Bởi số lao động được thụ hưởng rất lớn, đặc biệt ở một số địa phương có đông lao động trong các khu công nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhấn mạnh, quyết định đã nêu rất rõ về trách nhiệm của ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc tổ chức triển khai.
Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ giao cho các cơ quan chuyên môn, ủy ban nhân dân các cấp, có sự tham gia của lực lượng công an để cập nhật, kiểm tra, xác minh thông tin đối tượng hỗ trợ trên cơ sở dữ liệu quốc gia. "Như vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương là rất lớn và quan trọng", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện nếu có phát sinh, vướng mắc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh cho phù hợp. "Việc triển khai trong thực tiễn sẽ rất phong phú, khó tránh khỏi vướng mắc, nên chắc chắn chúng tôi sẽ có những hướng dẫn điều chỉnh phù hợp, để đảm bảo nhanh nhất, tốt nhất quyền lợi cho người lao động", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước những lo ngại về việc doanh nghiệp chi trả chậm cho người lao động, Thứ trưởng cho rằng, thực tế việc này không chỉ hỗ trợ cho người lao động mà là hỗ trợ doanh nghiệp nên chính doanh nghiệp có lợi.
Vì thế, doanh nghiệp muốn giữ chân người lao động thì cần nhanh chóng lập danh sách và chi trả tiền để người lao động quay trở lại thị trường. “Trong quá trình làm chính sách chúng tôi đã khảo sát và có thể nói doanh nghiệp sẽ làm rất nhanh các thủ tục, khi nhận được tiền sẽ chi trả ngay", lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông tin.
Để đảm bảo tiến độ cũng như tính minh bạch, bên cạnh đó, các cơ quan giám sát như tổ chức công đoàn, Mặt trận tổ quốc, các cơ quan quản lý lao động ở các địa phương sẽ có trách nhiệm đôn đốc tham gia.
Hiện Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xây dựng kế hoạch để triển khai quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà, trên cơ sở đó các địa phương có thể triển khai ngay đảm bảo thời hạn chi trả đúng tiến độ.
Còn với vai trò của công đoàn, ông Lê Đình Quảng, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm, để đảm bảo tiến độ chi trả của doanh nghiệp đến người lao động, cơ quan này cũng sẽ có văn bản yêu cầu các cấp công đoàn cơ sở giám sát việc chi tiền.