13:07 30/03/2022

Chờ đến năm 2023 mới tăng lương tối thiểu vùng là “quá lâu”

Phúc Minh

Nếu chờ đến đầu năm 2023 mới tăng lương tối thiểu vùng thì thời gian người lao động phải chờ đợi là quá lâu khi việc tăng lương đã bị trì hoãn trong bối cảnh nhiều khó khăn…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã có phiên họp đầu tiên để bắt đầu thảo luận các chính sách liên quan đến việc tăng lương tối thiểu vùng, song phương án cụ thể chưa được tiết lộ.

Chia sẻ với VnEconomy, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đồng thời là thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia xác nhận tổ chức công đoàn đã có đề xuất tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022, nhưng chưa đưa ra mức tăng cụ thể là bao nhiêu.

Theo ông Quảng, trước đây theo định kỳ, lương tối thiểu vùng được điều chỉnh từ ngày 1/1 hằng năm, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ năm 2020 đến nay tiền lương tối thiểu vẫn đang được áp dụng theo Nghị định 90 của Chính phủ.

“Từ năm 2020 đến nay, tiền lương tối thiểu chưa được điều chỉnh là khoảng thời gian khá dài, nếu đến ngày 1/1/2023 mới tăng thì người lao động phải chờ đợi quá lâu trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, chỉ số giá tiêu dùng tăng, tiền lương thực tế giảm sút và nhiều yếu tố khác nữa”, ông Quảng lý giải.

Trong bối cảnh đó, để giải quyết tình thế cấp bách cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7 của năm nay.

 “Phía giới chủ thì muốn việc tăng lương thực hiện từ đầu năm 2023, còn đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là xuất phát từ thực tiễn và nguyện vọng của người lao động do thời gian qua họ rất khó khăn. Tình hình tiền lương thực tế giảm sút, dịch bệnh cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập”, ông Quảng nhấn mạnh.

Để chuẩn bị các cơ sở cho việc đề xuất tăng lương, tổ chức công đoàn đã thực hiện khảo sát về tình hình đời sống, tiền lương, việc làm và thu nhập của người lao động, dự kiến sẽ công bố vào giữa tháng 4 tới đây.

Ông Quảng cũng cho biết thêm, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Hội đồng mới chỉ bàn bạc các căn cứ và giao cho các bên tiếp tục nghiên cứu, thống nhất để chuẩn bị các phương án đưa ra Hội đồng thảo luận.

Còn với riêng đề xuất của tổ chức công đoàn, ông Quảng cho rằng, để kịp tăng lương vào thời điểm tháng 7 năm nay thì cần tổ chức họp trong thời gian sớm, song chưa tiết lộ cụ thể thời gian sẽ diễn ra phiên họp lần hai. 

“Đề xuất phải trải qua các khâu họp Hội đồng, thống nhất phương án, sau đó khuyến nghị cho Chính phủ, trường hợp nếu Chính phủ đồng ý với phương án của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì mới ra nghị định điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Tất cả các quy trình này để xong trước 1/7 thì phải họp sớm”, Tuy nhiên, hiện chúng tôi cũng chưa rõ thời gian tổ chức phiên họp tiếp theo”, ông Quảng nói và cho hay, phương án họp cụ thể sẽ do Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia quyết định theo quy chế họp của Hội đồng.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trước đó cũng cho rằng, nếu năm 2022 lương tối thiểu vùng tiếp tục không tăng thì đời sống của người lao động sẽ càng khó khăn sau hơn hai năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Mặt khác, nếu chờ đến năm 2023 mới tăng lương tối thiểu thì phải tính toán làm sao bù đắp được cho người lao động phần của các năm không tăng, song nếu mức tăng quá cao cũng sẽ vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. 

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, cũng như phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Mức lương tối thiểu này được xác lập theo vùng và được Chính phủ công bố dựa trên khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Hiện mức mức lương tối thiểu vùng vẫn đang áp dụng theo Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể vùng 1 là 4,42 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 3,92 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 3,43 triệu đồng/tháng và vùng 4 là 3,07 triệu đồng/tháng.