20:17 02/11/2009

Gói kích cầu thứ hai phải chờ Quốc hội

Hải Hà

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, gói kích cầu thứ hai sẽ chỉ được thực hiện sau khi Quốc hội thông qua

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Đinh Văn Nhã.
Ngày 30/10, thông tin Chính phủ quyết định thông qua gói kích cầu thứ hai đã được công bố với báo giới.

Tuy nhiên, chiều ngày 2/11, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Tiến sỹ  Đinh Văn Nhã cho VnEconomy biết, gói kích cầu thứ hai sẽ chỉ được triển khai thực hiện sau khi Quốc hội xem xét, thông qua.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đã thể hiện quan điểm với quyết định trên của Chính phủ, ông Nhã nói.

Thưa ông, Ủy ban Tài chính – Ngân sách có đồng tình với chủ trương tiếp tục kích cầu của Chính phủ không?

Sáng nay, Thường trực Ủy ban đã thảo luận và thể hiện quan điểm đồng tình với đề xuất của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chính phủ chưa có nghị quyết chính thức, mà sẽ báo cáo Quốc hội. Sau đó Quốc hội sẽ quyết định khi thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2010 như là một giải pháp quan trọng. Lúc đó thì mới đủ cơ sở pháp lý để Chính phủ chỉ đạo tiếp tục thực hiện.

Song vấn đề Quốc hội xem xét không phải là nội dung chính sách tiếp tục hỗ trợ như thế nào, mà cái thuộc thẩm quyền Quốc hội là các nguồn vốn cho gói kích cầu đó bao gồm những gì, bao nhiêu từ trái phiếu chính phủ, từ dự trữ ngoại hối….

Ông vừa nói đến “cơ sở pháp lý” để thực hiện gói kích cầu, song tại phiên thảo luận về kinh tế, xã hội vừa qua, có đại biểu đã “phê” Chính phủ triển khai gói kích cầu thứ nhất khi chưa xin ý kiến Quốc hội?

Gói kích cầu thứ nhất được triển khai vào tháng 2/2009, trong khi cuối năm 2008 thì Quốc hội đã thông qua nghị quyết kinh tế, xã hội năm 2009 rồi. Lúc đó Quốc hội lại chưa họp kỳ thứ năm nên Chính phủ tạm thời áp dụng, sau đó thì Chính phủ đã báo cáo rất rõ tại kỳ họp thứ năm của Quốc hội rồi.

Bây giờ thì Chính phủ đã lường được tình hình, đã xác định rõ chủ trương sớm hơn thì Chính phủ sẽ báo cáo tại kỳ họp này để Quốc hội xem xét quyết định.

Nói như vậy thì giả sử số đại biểu Quốc hội đồng tình không quá bán thì gói kích cầu hai sẽ không được thực hiện?

Tình huống đó theo tôi sẽ không xảy ra, vì qua thảo luận, nhiều đại biểu đã phát biểu muốn Chính phủ nghiên cứu để có gói kích cầu thứ hai, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri.

Thưa ông, đầu kỳ họp này, cả Ủy ban Tài chính - Ngân sách và  Ủy ban Kinh tế đều đề nghị dừng đúng hạn hỗ trợ lãi suất ngắn hạn. Song Chính phủ vẫn quyết định kéo dài đến hết quý 1 năm sau?

Số lượng đại biểu ở hai ủy ban chỉ chiếm số ít trong tổng số đại biểu, số đông có ý kiến khác. Khi thảo luận, còn rất nhiều ý kiến muốn Chính phủ tiếp tục hỗ trợ vốn lưu động, giảm mức hỗ trợ xuống 2% và nên thu hẹp về đối tượng. Chủ yếu hỗ trợ hộ gia đình sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ trực tiếp sản xuất ở trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất trang thiết bị phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp. Đối tượng này đang rất là rộng, nếu thu hẹp thì chắc đại biểu Quốc hội sẽ đồng tình.

Trên thực tế thì gói kích cầu thứ nhất đã có tác động tích cực. Năm 2010 nhiều dự án đầu tư mới được hỗ trợ giai đoạn 1 bây giờ vẫn rất cần vốn lưu động để sản xuất…

Nhưng thời gian Quốc hội thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 chỉ còn 4 ngày. Trong khi các chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế đã được thảo luận, cân nhắc trước khi có quyết định về gói kích cầu thứ hai?

Việc hỗ trợ lãi suất tiếp theo có tác động đến cân đối vĩ mô hay không cũng là vấn đề cần suy nghĩ. Song tôi cho rằng quan điểm duy trì mặt bằng lãi suất cơ bản 7%, từ nay đến cuối năm, điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt hơn, có mục tiêu, thì áp lực tạo ra lạm phát không lớn lắm.

Từ nay đến cuối năm lạm phát chỉ dừng lại 6%, chứ không đến 7%. Nên 6 tháng đầu năm sau thì gói kích cầu tác động đến lạm phát chưa lớn lắm. Nhất là chúng ta lại có thể điều chỉnh chính sách thuế xuất nhập khẩu để ngăn chặn việc tăng giá đầu vào của doanh nghiệp.

Chính phủ quyết định hỗ trợ lãi suất ngắn hạn đến hết quý 1 vì vay ngắn hạn chiếm hơn 85% tổng dư nợ. Còn vốn trung và dài hạn thì không lớn nên tác động lên lạm phát cũng sẽ không lớn. Năm 2010 dùng vốn trung và dài hạn nhiều hơn ngắn hạn, và đây là cái khác cái đã làm trong năm 2009.

Như vậy, cá nhân ông tin chắc vào việc Quốc hội sẽ nhất trí cao với chủ trương của Chính phủ?

Tôi tin chắc.

Ngày mai, phiếu xin ý kiến về nhiều vấn đề liên quan đến ngân sách trong đó có giải pháp tiếp tục chính sách kích thích kinh tế sẽ được gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội.

Thông điệp của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng sẽ được gửi vào báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày trước khi Quốc hội nhấn nút thông qua nghị quyết, cùng với Chính phủ để đưa ra quan điểm chung trong báo cáo đó. Trên cơ sở đó các đại biểu sẽ thể hiện sự đồng tình hay không đồng tình.

Chính phủ mới quyết định gói kích cầu thứ hai, song câu chuyện tiếp tục chính sách kích thích kinh tế thì đại biểu đã chuẩn bị trước khi đến tham dự kỳ họp với tinh thần đề nghị của doanh nghiệp địa phương. Như vậy thông tin rất là kỹ, đủ để đại biểu thống nhất cao.

Nếu Quốc hội  thông qua sớm gói kích cầu hai thì có tác động rất lớn đến sản xuất năm 2010. Vì hiện tại nhiều doanh nghiệp lo đầu tư nhà xưởng rồi mà không được hỗ trợ tiếp thì sẽ khó khăn. Vì vậy gói kích cầu hai nên được công bố sớm để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm.