07:54 18/11/2020

Google, Apple gỡ bỏ game có đường lưỡi bò "nhập lậu" vào Việt Nam

Thủy Diệu

Game "Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc" đã bị gỡ khỏi kho ứng dụng Google Play và App Store, do game này gắn bản đồ có đường lưỡi bò, vi phạm pháp luật Việt Nam

Đến ngày 16/11/2020, trò chơi “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc” đã hoàn toàn bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng Google Play và App Store - ảnh minh họa.
Đến ngày 16/11/2020, trò chơi “Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc” đã hoàn toàn bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng Google Play và App Store - ảnh minh họa.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa cho biết hai nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới Google và Apple đã gỡ bỏ trò chơi điện tử (game) "Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc" trên kho ứng dụng Google Play và App Store, do game này gắn bản đồ có đường lưỡi bò, vi phạm pháp luật Việt Nam.

Cục này cho biết, game "Chuyến du lịch vòng quanh thế giới của bé gấu trúc" là một trong các game trên kho ứng dụng "Thế giới của bé gấu trúc", đây là game G2, G3, G4 không phép được Công ty TNHH Công nghệ thông tin Phú Châu Zhi Yong (Trung Quốc) cung cấp trên các nền tảng xuyên biên giới vào Việt Nam qua các kho ứng dụng của Google và Apple.

Gần đây, người sử dụng tại Việt Nam phát hiện ra trong game có hình ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò, vi phạm pháp luật của Việt Nam.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã rà soát và yêu cầu Google, Apple chặn gỡ game này. Đến ngày 16/11/2020, trò chơi này đã hoàn toàn bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng Google Play và App Store.

Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử cho biết đang tiếp tục rà soát, thống kê các game vi phạm cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam và yêu cầu Google và Apple ngăn chặn, gỡ bỏ khỏi thị trường Việt Nam.

Cuối năm 2019, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử cũng có công văn gửi các doanh nghiệp đang hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng G1, G2, G3, G4 trên cả nước, cảnh báo về tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, trong đó có cả các trò chơi điện tử trên mạng.

Khi đó Cục cho biết, qua công tác quản lý nhà nước, Cục phát hiện tình trạng một số doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng đưa các bản đồ phi pháp vào trong các sản phẩm văn hóa, trong đó có cả các trò chơi điện tử trên mạng, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng đến việc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.