16:58 16/01/2013

Graph Search, “bảo bối” mới của Facebook

Hải Yến

Theo giới phân tích, Graph Search có thể làm ảnh hưởng tới vai trò thống trị của công cụ tìm kiếm Google

Graph Search cho phép các thành viên Facebook tìm kiếm rất nhiều thông 
tin trên trang mạng xã hội này mà không có trên các công cụ tìm kiếm 
mạng khác như Google.<br>
Graph Search cho phép các thành viên Facebook tìm kiếm rất nhiều thông tin trên trang mạng xã hội này mà không có trên các công cụ tìm kiếm mạng khác như Google.<br>
Hôm qua (14/1), Facebook đã ra mắt phiên bản dùng thử của công cụ tìm kiếm mới mang tên Graph Search, với những tính năng hoàn toàn khác biệt so với những website tìm kiếm khác như Google hay Bing.

Facebook nhấn mạnh, nỗ lực mới của họ chỉ là để giúp các thành viên tìm thông tin trong trang mạng xã hội này, chứ không phải trên Internet. CEO của Facebook Mark Zuckerberg nói, Facebook từng thử thảo luận với Google, nhưng Google chú ý hơn tới tìm kiếm trên quy mô rộng, nên Facebook đã chọn Bing.

Trên thực tế, từ lâu Facebook đã có công cụ tìm kiếm cho phép người dùng tìm kiếm nội dung, thông tin trên Facebook, nhưng công cụ tìm kiếm cũ không thực sự hiệu quả và ngoại trừ tìm kiếm bạn bè quen thuộc của mình, người dùng hiếm khi tìm kiếm được nội dung tìm kiếm phù hợp.

Phiên bản dùng thử Graph Search được xây dựng theo một cấu trúc dữ liệu  cho phép người dùng Facebook tìm kiếm theo nhiều cách khác nhau, và có thể nhận được các câu trả lời trực tiếp về con người, hình ảnh, vị trí…

Để minh họa, Lars Rasmussen, kỹ sư phần mềm của Facebook gõ vào thanh tìm kiếm dòng "nha sỹ mà bạn bè tôi thích" trong tài khoản Facebook của anh. Graph Search lập tức tìm được một nha sỹ mà 17 người bạn của Rasmussen thích, gồm cả một người sợ đau khi nhổ răng.

Rasmussen cho biết, kết quả tìm kiếm được sắp xếp theo khoảng cách giữa địa điểm mà Graph Search tìm thấy, hay nơi ở của bạn bè với địa điểm của người dùng. Do đó, khi tìm cùng một nội dung, nhưng kết quả tìm kiếm được của người dùng này sẽ khác biệt với người dùng khác.

Theo Mark Zuckerberg, mặc dù mới chỉ là bản thử nghiệm, nhưng công cụ này đã mang lại cho người dùng một cách thức tìm kiếm thông tin mới mẻ. Đó "không phải là một tính năng tìm kiếm bao quát, nhưng người dùng Facebook vẫn có thể tìm thấy dữ liệu hữu ích".

Với Graph Search, người dùng Facebook có thể tìm những kỷ niệm cũ, mở rộng kết nối bè bạn, tìm hiểu về mọi người trong danh sách. Công cụ này được kết hợp với nhiều bộ lọc khác như như “place type”, “liked by” và “visited by friends”, giúp cho việc tìm kiếm nhanh và chính xác hơn.

Zuckerberg cũng cho hay, Graph Search không đơn thuần là tìm kiếm thông tin, mà tính năng này còn là công cụ để khuyến khích và cho phép người dùng Facebook tạo các “liên kết mới”, qua đó giúp chia sẻ lượng thông tin đang có trên trang mạng xã hội này một cách mạnh mẽ hơn.

CEO Facebook cũng nhấn mạnh rằng dịch vụ tìm kiếm mới không phải là web search như Google hay Bing và đặc biệt, những thông tin người dùng tìm kiếm qua Graph Search hoàn toàn riêng tư. Graph Search chỉ liệt kê những kết quả trên trang cá nhân mà người dùng muốn chia sẻ.

Trong trường hợp không tìm được nội dung phù hợp, dịch vụ Graph Search của Facebook sẽ tự động chuyển sang công cụ tìm kiếm Internet mặc định trên Facebook, chính là dịch vụ tìm kiếm Bing của hãng Microsoft.

Tuy nhiên, theo giới phân tích công nghệ, dịch vụ Graph Search của Facebook sẽ làm ảnh hưởng tới vai trò thống trị của công cụ tìm kiếm từ Google. Nhà phân tích công nghệ Jeff Kagan nhận định rằng, đây là một thách thức tiềm tàng đối với Google.

“Nếu tôi là Google, tôi sẽ coi đây là một lời cảnh báo nghiêm trọng. Không phải là một cuộc tấn công trực diện, nhưng cuộc tấn công đang tới”, Kagan nói. “Facebook có thể thay đổi thế giới tìm kiếm trên mạng không? Nếu câu trả lời là có, thì đây sẽ là đe dọa lớn hơn cho Google”.

Tuy nhiên, Graph Search vẫn chỉ dừng lại ở chế độ thử nghiệm Beta và chỉ một vài người dùng có thể sử dụng thử tính năng mới này. CEO Facebook cũng cho biết, Graph Search sẽ mất rất nhiều thời gian chạy thử, vì đội ngũ kỹ sư cần dựa vào ý kiến phản hồi của người dùng để hoàn thiện.