09:25 22/06/2009

Gửi tiết kiệm bằng VND hay USD?

Ngô Hải

Nhiều người bắt đầu tính lại bài toán gửi tiết kiệm loại tiền nào sẽ có lợi hơn trong thời điểm hiện nay

Trong khi lãi suất VND đang có xu hướng tăng mạnh, thì lãi suất huy động USD trên thị trường đang có xu hướng giảm.
Trong khi lãi suất VND đang có xu hướng tăng mạnh, thì lãi suất huy động USD trên thị trường đang có xu hướng giảm.
Với mặt bằng lãi suất huy động USD và VND mới, nhiều người bắt đầu tính lại bài toán gửi tiết kiệm loại tiền nào sẽ có lợi hơn trong thời điểm hiện nay.

Có một khoản tiền kha khá sau khi thắng lớn trên thị trường chứng khoán, để an toàn cho đồng vốn, anh Nguyễn Tiến Dũng, chủ một cửa hàng kinh doanh các sản phẩm gỗ tại Hà Nội đã quyết định gửi một phần lãi vào ngân hàng.

Nhưng với diễn biến lãi suất VND và USD trên thị trường, anh Dũng rất phân vân không biết nên gửi tiết kiệm bằng loại tiền nào để an toàn và có lợi nhất.

Lãi suất VND và USD đang điều chỉnh mạnh

Theo Ngân hàng Nhà nước, lãi suất VND trên thị trường đang có xu hướng tăng mạnh. Trong tuần qua nhiều ngân hàng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND như: Sacombank, Techcombank, Eximbank, MB, DongA Bank, TinNghiaBank, HD Bank... với mức tăng từ 0,2 - 0,5%/năm so với tuần đầu tháng 6/2009.

Cụ thể, mức lãi suất huy động VND bình quân trên thị trường của nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh cho các kỳ hạn từ 1 năm trở xuống: kỳ hạn 3 tháng là 7,52%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7,71%/năm và 12 tháng là 8,05%/năm.

Còn lãi suất huy động VND của nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với kỳ hạn 3 tháng là 7,91%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 8,19%/năm và 12 tháng là 8,42%/năm.

Mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường được xác lập là 10,2%/năm dành cho kỳ hạn 36 tháng sau khi TinNghiaBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ ngày 17/6.

Trong khi lãi suất VND đang có xu hướng tăng mạnh, thì lãi suất huy động USD trên thị trường đang có xu hướng giảm.

Để thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước về bình ổn thị trường ngoại tệ, hạn chế bớt tình trạng găm giữ ngoại tệ, giải quyết bài toán dư thừa vốn ngoại tệ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu tiếp cận được nguồn vốn ngoại tệ, ngay từ đầu tháng 6/2009, các ngân hàng thương mại quốc doanh đã bắt tay thực hiện cam kết giảm lãi suất huy động USD, với mức giảm cao nhất là 1,5%/năm.

Ngay sau khi nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh thực hiện cắt giảm lãi suất huy động USD, tính đến 20/6 đã có thêm nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cùng tham gia điều chỉnh lãi suất huy động USD như: DongA Bank, ABBank, VPBank, Sacombank, ACB, Techcombank, MB...

Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết ngày17/6, lãi suất huy động USD của các ngân hàng tiếp tục giảm thêm 0,2- 0,4%/năm.

Bên cạnh đó, theo báo cáo nhanh của các tổ chức tín dụng đến ngày 16/6/2009, lãi suất giao dịch bình quân bằng VND trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng kỳ hạn 12 tháng có xu hướng tăng lên so với số liệu tuần trước đó, với mức tăng ở các kỳ hạn từ 0,12 - 0,21%/năm.

Còn lãi suất bình quân các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần) của USD có xu hướng giảm nhẹ. Lãi suất bình quân cao nhất là 2,09%/năm (đối với kỳ hạn 12 tháng), lãi suất các kỳ hạn còn lại dao động trong khoảng 0,5%/năm đến 1,6%/năm.

VND đang chiếm ưu thế?

Về lý thuyết, trong nền kinh tế hoàn hảo, lãi suất giữa các đồng tiền là tương đương nhau, sự khác biệt giữa các đồng tiền sẽ được điều chỉnh lại bằng tỷ giá. Khi đó, khách hàng gửi tiết kiệm bất cứ loại tiền nào, tỷ giá cũng sẽ điều tiết bảo đảm các đồng tiền có lợi ích như nhau.

Còn trên thực tế, theo ông Đào Trọng Khanh, Tổng giám đốc TienPhongBank, những biến động lãi suất trên thị trường trong thời gian qua bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng từ đầu năm đến nay. Điều đó cho thấy nền kinh tế đang có những tín hiệu hồi phục tốt.

“So sánh tương quan giữa lãi suất VND và USD thời điểm này, kể cả tính đến yếu tố thay đổi của tỷ giá từ nay đến cuối năm, giữ VND vẫn sẽ tốt hơn”, ông Khanh nhận định.
 
Đồng quan điểm trên, Phó tổng giám đốc của một ngân hàng thương mại cổ phần cũng cho rằng, lãi suất USD đang giảm, tính hấp dẫn và tính sinh lời của USD sẽ giảm theo, khi đó người dân và doanh nghiệp sẽ chuyển sang nắm giữ VND và các tài sản khác.

“Lãi suất huy động USD cao nhất chỉ còn khoảng 1,5%/năm, trong khi lãi suất VND là trên 8%/năm, nếu tỷ giá biến động không quá 6,5% trong thời hạn tương đương, rõ ràng giữ VND sẽ có lợi hơn nhiều”, vị Phó tổng giám đốc này phân tích.

Việc USD liên tục mất giá trên thị trường thế giới thời gian qua, cộng với những diễn biến bất lợi tại Mỹ, nhiều nhận định USD sẽ tiếp tục có sự suy giảm trong 2010.

Nhưng ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng, dù nền kinh tế Mỹ đang chững lại song tăng trưởng đang bắt đầu có dấu hiệu xuất hiện, nên không thể nói khả năng của USD bị suy giảm mạnh.

Còn với Việt Nam, nguy cơ lạm phát quay trở lại vẫn cao cho nên những điều chỉnh lãi suất trên thị trường cần rất cẩn trọng, tránh điều chỉnh gấp quá sẽ có những tác động xấu.

“Tuy nhiên, trong ngắn hạn giữ VND sẽ có lợi hơn so với USD. Còn trong dài hạn USD vẫn là đồng tiền có nhiều tiềm năng và an toàn hơn”, ông Kiêm nói.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng nhưng thận trọng, theo hướng vừa hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, vừa hỗ trợ khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại (nếu cần), đồng thời, nâng khả năng ổn định lãi suất của thị trường liên ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản VND và giữ ổn định tỷ giá từ nay đến hết năm 2009. Điều này sẽ giúp cho lãi suất trên thị trường sẽ hoạt động ổn định và người gửi tiền sẽ được hưởng lợi.