17:38 17/05/2021

Hạ các dự án “treo” để đất hoang hóa

Nhĩ Anh

Nhiều dự án chậm triển khai là do vướng mắc giải phóng mặt bằng. Nhưng cũng có những dự án do một số chủ đầu tư năng lực còn yếu kém. Dù không có năng lực nhưng vẫn tìm mọi cách để được giao đất hoặc cho thuê đất, rồi giữ đất chờ tăng giá nhằm chuyển nhượng dự án kiếm lời...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để đất hoang, dự án “treo” đang là thực trạng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên đất đai, giảm hiệu quả đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội.

DỰ ÁN ĐỂ ĐẤT HOANG LÀ VÌ ĐÂU?

Tháng 3/2021, HĐND Thành phố Hà Nội đã thành lập đoàn tái giám sát việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND Thành phố về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Một trong những nội dung tái giám sát là đánh giá tiến độ, kết quả xử lý các vi phạm và làm rõ các tồn tại, hạn chế, khó khăn vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế trong tổ chức thực hiện xử lý vi phạm. Qua đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nhằm sử dụng đất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô, đồng thời báo cáo kết quả giám sát với Hội đồng nhân dân.

 

Từ năm 2018 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã triển khai 5 đoàn hậu kiểm đối với 99 dự án trong việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo sau thanh tra, kiểm tra của UBND thành phố Hà Nội. Qua đó, đã kiến nghị trình UBND thành phố thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3ha, chủ yếu ở các huyện: Mê Linh, Thạch Thất, Ba Vì…

Trước đó, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện rà soát, đối chiếu, triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành để thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 379 dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; tổ chức sử dụng đất có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai.

Qua rà soát, kiểm tra, UBND thành phố đã gia hạn sử dụng đất cho 35 dự án với 57 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa vào sử dụng; 96 dự án đề nghị đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (tiếp tục giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy định); 57 dự án chậm triển khai, có vi phạm Luật Đất đai, đến thời điểm thanh tra và sau thanh tra, chủ đầu tư đã khắc phục các vi phạm đất đai hoặc đã xây dựng công trình đề nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai; 39 dự án đang trong tiến độ thực hiện dự án; 63 dự án đã có quyết định giao đất, nhưng chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính; còn lại các dự án vi phạm khác (hoàn thiện thủ tục về đất đai, tự ý cho thuê, tự ý chuyển mục đích sử dụng…).

Ngoài ra, UBND thành phố cũng rà soát, kiểm tra đối với 88 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất; dừng triển khai, chấm dứt hoạt động 47 dự án.

Phân tích về nguyên nhân chậm triển khai ở hàng loạt dự án, nhiều chuyên gia cho rằng, có cả yếu tố chủ quan từ phía các doanh nghiệp, và các nguyên nhân khách quan khác. Cụ thể, có nhiều dự án chậm triển khai là do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn. Nhưng cũng có những dự án do một số chủ đầu tư năng lực còn yếu kém nên dẫn đến tình trạng bỏ không dự án. Theo đó, có những nhà đầu tư không có năng lực tài chính nhưng vẫn tìm mọi cách đề xuất dự án đầu tư để được giao đất hoặc cho thuê đất, rồi giữ đất chờ giá đất tăng thêm nhằm chuyển nhượng dự án kiếm lời.

CẦN LỰA CHỌN NHÀ ĐẦU TƯ CÓ NĂNG LỰC

Các dự án vi phạm luật đất đai, để đất hoang đã để lại nhiều hệ lụy, làm cho hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất thấp và không tham gia đóng góp cho tăng trưởng phát triển kinh tế xã hội ở các nơi có dự án. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, các cơ quan chức năng phải rà soát và có phương án xử lý kịp thời, chấn chỉnh tình trạng dự án treo, vi phạm sử dụng đất...

Theo quy định tại Luật Đất đai, nếu dự án qua quá một năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt sẽ bị thu hồi.

Song thực tế cho thấy, việc thu hồi đất các dự án trong giai đoạn dịch bệnh ảnh hưởng tới phát triển như hiện nay là khá khó khăn. Việc xem xét kiến nghị chấm dứt hoạt động dự án còn nhiều vướng mắc, nhất là với những dự án đã thực hiện một số thủ tục ban đầu, đã bỏ kinh phí đầu tư giải phóng mặt bằng... Bởi vậy, với từng dự án vi phạm, nếu do yếu tố khách quan cần phải xem xét có phương án cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng.

 
Ở các nước trên thế giới xử lý vấn đề này bằng nhiều hình thức khác nhau như sử dụng các công cụ kinh tế như đánh thuế bỏ hoang đất...thay cho công cụ hành chính.

Trao đổi với VnEconomy, một chuyên gia trong lĩnh vực đất đai nhấn mạnh, hiện nay các chế tài quy định cụ thể trong xử lý, thu hồi các dự án sử dụng đất sai phạm đều đã có nhưng vẫn nặng về hành chính và chưa phù hợp với cơ chế của thị trường. Sau khi cho doanh nghiệp, chủ các dự án chậm khắc phục mà vẫn không khắc phục được thì sẽ  thu hồi không bồi thường.

Theo chuyên gia này, đây là vấn đề liên quan đến tài sản nên cần phải nghiên cứu có những cách thức, biện pháp khác nhau để giải quyết. Quan trọng hơn là phải có các giải pháp ngay từ đầu để lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực, năng lực tài chính thông qua việc ký quỹ hoặc bảo lãnh...

"Ở Việt Nam, từ trước tới nay việc lựa chọn vẫn nặng theo hình thức doanh nghiệp nào trả giá cao sẽ được. Nhưng thực tế nhiều chủ dự án không có tiềm lực tài chính để triển khai. Do đó, Việt Nam cần phải nghiên cứu lại những quy định pháp lý về những vấn đề này", chuyên gia này nêu quan điểm.

Chia sẻ với báo giới về vấn đề này, ông Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đưa ra giải pháp xử lý bằng công cụ thuế. Đánh thuế sử dụng đất cao hơn nhiều vào các dự án “treo”, lũy tiến theo thời gian bị “treo” hoặc xử phạt mạnh đối với các dự án “treo” lũy tiến theo thời gian bị “treo”.