14:45 19/01/2024

Hà Nội bố trí 114 điểm bán lẻ thuốc trong dịp Tết

Nhật Dương

Sở Y tế Hà Nội vừa công bố danh sách 114 điểm trực bán lẻ thuốc phục vụ người dân trên địa bàn thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, có 39 điểm trực bán thuốc là các nhà thuốc trong bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, trực bán 24/24h trong những ngày nghỉ Tết gồm: Bệnh viện Hòe Nhai, Xanh Pôn, Phụ sản Hà Nội, Ung bướu Hà Nội (2 điểm thuộc tầng 1 nhà A và nhà B của bệnh viện), Y học cổ truyền Hà Nội, Chương Mỹ, Đan Phượng, Bắc Thăng Long, Đông Anh, Đống Đa, Da liễu Hà Nội, Thận Hà Nội, Gia Lâm, Hà Đông.

Nhà thuốc tại các bệnh viện Thanh Nhàn, Mắt Hà Đông, Phổi Hà Nội, Tâm thần ban ngày Mai Hương, Mắt Hà Nội, Hoài Đức, Tim Hà Nội, Hữu nghị Việt Nam - Cuba, Đức Giang, Tâm thần Hà Nội, Mê Linh, Tâm thần Mỹ Đức, Phú Xuyên, Ba Vì, Phúc Thọ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Thanh Oai, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thanh Trì, Vân Đình và Thường Tín.

Cùng với đó, có 75 điểm bán thuốc của các nhà thuốc, quầy thuốc tư nhân tại 30 quận, huyện, thị xã phục vụ nhu cầu của người dân trong những ngày nghỉ Tết.

Trong đó, quận Ba Đình có 3 nhà thuốc, quầy thuốc, Ba Vì (3), Bắc Từ Liêm (2), Cầu Giấy (2), Chương Mỹ (4), Hà Đông (4), Hoàn Kiếm (5), Thanh Xuân (5), Thường Tín (2), Ứng Hòa (3), Thạch Thất (3), Nam Từ Liêm (2), Phú Xuyên (3)…

Sở Y tế TP. Hà Nội yêu cầu các nhà thuốc, quầy thuốc không lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc.

Đối với Phòng Y tế quận, huyện, thị xã, Sở Y tế đề nghị chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn về dược, các quy định về kinh doanh thuốc với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn.

Đồng thời, chú trọng công tác phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; các hành vi găm hàng, tăng giá và xử lý nghiêm các trường hợp được phát hiện.

Trước đó, tại Chỉ thị về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Bộ Y tế cũng yêu cầu Cục Quản lý Dược chỉ đạo các Sở Y tế tỉnh, thành phố, bệnh viện, viện trực thuộc Bộ Y tế và các công ty xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất thuốc có kế hoạch đảm bảo cung ứng đủ thuốc trong dịp Tết.

Cùng với đó, triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ, không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh, nhất là các thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa Đông-Xuân như: Cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do virus rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa...

Các Sở Y tế tỉnh, thành phố cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá đột biến…