14:34 11/03/2022

Hà Nội đặt chỉ tiêu tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người vào năm 2022

Thanh Xuân

Trong đó: cao đẳng 25.000 lượt người, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng là 171.500. Phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 72,2% với tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ chiếm khoảng 51,2%...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 72/KH-UBND về khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong công tác giáo dục nghề nghiệp năm 2021.

Kế hoạch đề ra một số chỉ tiêu năm 2022 gồm tuyển sinh và đào tạo khoảng 224.500 lượt người. Trong đó: cao đẳng 25.000 lượt người, trung cấp 28.000, sơ cấp và dưới 3 tháng là 171.500. Phấn đấu tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 72,2% với tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt từ 51,2%. Đặc biệt thành phố sẽ chú trọng đẩy mạnh đào tạo nghề theo nhu cầu của thị trường lao động, của người sử dụng lao động... một cách có hiệu quả.

Để làm được điều này, Hà Nội yêu cầu các cơ sở đào tạo cần ưu tiên đào tạo để cung ứng lao động cho doanh nghiệp, góp phần tránh đứt gãy chuỗi cung ứng lao động trên thị trường; tùy theo điều kiện về cơ sở vật chất của đơn vị để tổ chức thực hiện phương án ''giảng dạy, cách ly y tế, ăn ở tại trường"; bố trí chỗ ăn, ở, điều kiện sinh hoạt cho học sinh, sinh viên, học viên thuận lợi, phù hợp và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố…

Liên quan đến giáo dục nghề nghiệp, mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 2239/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của chiến lược đặt ra là phát triển nhanh giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.

Cụ thể đến năm 2025, phấn đấu bảo đảm quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đất nước; chất lượng đào tạo của một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 30%.

Với một số chỉ tiêu chủ yếu như: thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; học sinh, sinh viên nữ đạt trên 30% trong tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%. Phấn đấu có khoảng 70 trường chất lượng cao; khoảng 150 ngành, nghề trọng điểm, trong đó 5-10 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN-4.

Tiếp đến năm 2030, mục tiêu là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại; chủ động tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế; một số trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35-40%. Tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 90%.

Để đạt được các mục tiêu chiến lược, Quyết định nêu rõ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, trong đó “Đẩy nhanh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo” và “Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp” là giải pháp đột phá.