Hà Nội đẩy mạnh thanh tra an toàn thực phẩm, cần tiến hành toàn diện hơn
Ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, để công tác thanh tra an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cần tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện hơn. thành phố Hà Nội nên đặt ra nhiệm vụ cụ thể cho công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, từ ngày 10/7, Hà Nội triển khai mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn. Đến nay, sau 3 tháng triển khai, các đoàn thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn đã tiến hành xử phạt hơn 300 cơ sở với số tiền hơn 700 triệu đồng.
Cụ thể, tính đến ngày 20/9, 29/30 quận, huyện, thị xã đã tiến hành thanh tra 310 cơ sở thực phẩm, trong đó xử phạt vi phạm hành chính 96 cơ sở với số tiền hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, có 18/30 quận, huyện, thị xã đã triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại tuyến xã, phường, thị trấn. Kết quả, 131/584 xã, phường, thị trấn đã tiến hành thanh tra 859 cơ sở thực phẩm, trong đó xử phạt 206 cơ sở với số tiền phạt hơn 408 triệu đồng.Điển hình kết quả một số quận, huyện triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm như quận Nam Từ Liêm. Sau 3 tháng, quận đã thanh tra 159 cơ sở, xử phạt 61 cơ sở với số tiền xử phạt hơn 100 triệu đồng; đã tổ chức lấy 15 mẫu thực phẩm xét nghiệm chuyên sâu. Quận Hoàn Kiếm đã thanh tra 24 cơ sở. Trong đó, quận thanh tra 6 cơ sở, phường thanh tra 15 cơ sở với số tiền xử phạt là 14 triệu đồng. Quận Long Biên đã tiến hành thanh tra 288 cơ sở, xử phạt 75 cơ sở với số tiền hơn 151 triệu đồng.Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng đầy đủ nguồn nhân lực tham gia công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến cơ sở, thành phố đã tổ chức đào tạo cấp chứng chỉ thanh tra cho gần 4.000 công chức, viên chức và đào tạo cấp chứng chỉ lấy mẫu thực phẩm tiến hành xét nghiệm cho 1.240 người. Đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn có đủ lực lượng để thành lập từ 1-2 đoàn thanh tra tiến hành thanh tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.
Cũng theo ông Trần Văn Chung, đa phần các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn triển khai thí điểm thanh tra lần đầu. Thêm vào đó, công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thanh tra mới được tập huấn thời gian ngắn, kiến thức và kinh nghiệm thanh tra còn hạn chế, quy trình thanh tra chặt chẽ, phức tạp nên gặp khó khăn khi thực hiện, đặc biệt là tuyến xã còn dè dặt trong giai đoạn đầu triển khai. Ngoài ra, số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn xã, phường, thị trấn chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, tồn tại chợ tạm, chợ cóc... gây khó khăn cho việc thanh tra. Tâm lý "làng xóm, họ hàng" làm hạn chế kết quả xử lý vi phạm hành chính.Chia sẻ về các khó khăn trong quá trình thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Nguyễn Ánh Nguyệt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm Hà Nội cho hay, nói chung các cấp từ thành phố cho đến xã phường đều gặp khó khăn khi đi vào thanh tra và yêu cầu chấp hành, cũng như triển khai các hình thức xử phạt. Với lực lượng còn mỏng, con người có hạn, công việc còn nhiều, với thành phố cũng như các cấp quận, huyện, chúng tôi cũng phải tăng cường thêm biện pháp để triển khai thanh tra hiệu quả. Ví dụ: gia tăng thời lượng giao ban, giao lưu, tăng lượng đoàn công tác, mở thêm các lớp nâng cao nghiệp vụ cho các lãnh đạo thanh tra trao đổi kinh nghiệm. Những biện pháp xử lý, hình thức thanh tra trong thực tế cần thường xuyên được trao đổi giữa các cấp và lãnh đạo các bên.Theo bà Nguyễn Ánh Nguyệt, để triển khai tốt chương trình thanh tra, các cán bộ cần tiếp tục nâng cao kiến thức, bởi văn bản pháp quy nhiều, quy trình phức tạp, cần kinh nghiệm và kiến thức sâu để áp dụng đúng vào xử phạt hành chính cũng như triển khai kế hoạch. Trong năm 2020, Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm dự kiến triển khai lớp tập huấn sâu hơn với 30 quận, huyện; các cuộc giao ban sâu xuống tới các cấp để chia sẻ kinh nghiệm, giám sát áp dụng biện pháp đẩy nhanh tiến độ thanh tra. Tinh thần là trong các đợt thanh tra, quận, huyện cũng lập tổ giám sát, tiến hành giao ban sâu xuống xã phường. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được triển khai sâu hơn để các đối tượng nắm bắt sâu hơn trách nhiệm và phối hợp phát hiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.