11:20 11/10/2023

Hà Nội: Hơn 61.000 người được hỗ trợ 14,8 tỷ đồng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện

Nhật Dương

Theo Bảo hiểm xã hội Hà Nội, trong 9 tháng năm 2023, thành phố đã hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hơn 61.000 người tham gia, với số tiền 14,8 tỷ đồng…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiện nay, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người dân sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn.

Cụ thể, bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của người tham gia nhưng tối đa không quá 10 năm (120 tháng).

Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước.

Theo nội dung Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội về việc quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền, từ ngày 1/7/2022 đến hết ngày 31/12/2025, người dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn Hà Nội tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ thêm mức đóng.

Cụ thể, hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ thêm 25% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo và thêm 10% đối với các đối tượng khác.

Như vậy, tính chung mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương và thành phố, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ 60% mức đóng; thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%; các đối tượng khác được hỗ trợ 20%.

Bên cạnh đó, một số quận, huyện còn bố trí thêm kinh phí từ ngân sách địa phương hoặc huy động xã hội hóa để hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho thành viên thuộc hộ nghèo hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo nội dung Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND, trong 9 tháng năm 2023, TP. Hà Nội đã hỗ trợ thêm mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho 61.254 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với số tiền 14,8 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 9/2023, TP. Hà Nội có hơn 78.300 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng gần 9.000 người so với cùng kỳ năm 2022.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người lao động được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân như: Đóng định kỳ (hằng tháng; 3 tháng một lần; 6 tháng một lần; 12 tháng một lần; nhiều năm một lần (không quá 5 năm/lần); hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay là 231.000 đồng/tháng đối với người thuộc hộ nghèo; 247.000 đồng/tháng với người thuộc hộ cận nghèo; 297.000 đồng/tháng với đối tượng khác.

Các quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi thụ hưởng; thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng nhằm khuyến khích, thúc đẩy người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để tự đảm bảo an sinh cho chính mình.

Để tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, hiện dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đề xuất bổ sung thêm chế độ thai sản vào chính sách này.

Cụ thể, lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con, thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một người con.

Chế độ trợ cấp này sẽ do ngân sách Nhà nước đảm bảo, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.