Hà Nội khẳng định đấu thầu công khai "sữa học đường"
Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp 20%, còn lại gia đình đóng góp 50%
Với giá dự kiến (chưa đấu thầu) là 6.800 đồng/hộp 180 ml, mỗi học sinh bình thường chỉ phải đóng góp 3.400 đồng/hộp, số tiền một tháng uống sữa là khoảng 70.000 đồng, tương đương với 2 bát phở. Việc tham gia hay không là tự nguyện.
Đây là những thông tin từ ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau một số băn khoăn thời gian gần đây của các phụ huynh về chương trình "Sữa học đường".
Nhằm góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em Việt Nam, chương trình "Sữa học đường" được Thủ tướng phê duyệt tháng 7/2016, với mục đích: "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỷ lệ duy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai".
Chương trình được triển khai theo hình thức xã hội hoá, với sự tham gia đóng góp của ba bên là Nhà nước, gia đình và doanh nghiệp. Hiện cả nước có 10 tỉnh/thành triển khai chương trình.
Tại Hà Nội, đề án "Sữa học đường" đã được phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020, với mục tiêu trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống ít nhất một ly sữa mỗi ngày. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp 20%, còn lại gia đình đóng góp 50%.
Riêng với trẻ em và học sinh thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo… sẽ được uống sữa miễn phí 100%.
Tuy nhiên, sau một thời gian Hà Nội đưa ra đề án trên, nhiều ý kiến băn khoăn đã xuất hiện trên một số diễn đàn, mạng xã hội, với các câu hỏi về loại sữa, chất lượng sữa, doanh nghiệp nào cung cấp, khi xảy ra sự cố ai chịu trách nhiệm...
Trước những thắc mắc này, ông Phạm Xuân Tiến khẳng định, "sữa học đường" sẽ được đấu thầu công khai, minh bạch. Doanh nghiệp trúng thầu sẽ phải đáp ứng các tiêu chí gắt gao như giá rẻ nhất, chất lượng đảm bảo, đạt quy chuẩn của Bộ Y tế. Chất lượng, thành phần cung ứng sữa học đường cho trẻ em, học sinh Hà Nội do Bộ Y tế kiểm định, giám sát.
Hiện tại, đã có khoảng 11 doanh nghiệp sữa đã đăng ký đấu thầu cung cấp "sữa học đường" tại Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại Học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, việc minh bạch hoá trong khâu chọn lựa doanh nghiệp cung cấp sữa là rất cần thiết để tạo nên sự đồng thuận từ phía phụ huynh. Ngoài ra, nên chọn doanh nghiệp uy tín để cung cấp sữa vào trường học, đồng thời mức giá sữa cần tính toán để hợp lý hơn nữa so với giá thị trường.