Hà Nội lập đề án thu phí xe vào nội đô: Chuyên gia nói gì?
TS. Lương Hoài Nam lại cho rằng, ông ủng hộ quan điểm của Hà Nội về việc lập đề án thu phí xe vào nội đô
Văn phòng Chính phủ mới đây có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc đồng ý cho Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô.
Cho phép Hà Nội lập đề án thu phí xe vào nội đô
Theo đó, Chính phủ đồng ý với các đề nghị của Bộ Tài chính về các nội dung mà Hà Nội đề xuất liên quan đến bổ sung phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực nội thành có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường cao.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tiếp thu ý kiến của Bộ Tài chính để lập "Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới", trình Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội trước khi báo cáo Chính phủ theo đúng quy định của Luật phí và Lệ phí.
UBND thành phố Hà Nội báo cáo Bộ Tài chính về cơ sở pháp lý, sự cần thiết, nội hàm và tác động của khoản phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải khi lưu hành của phương tiện cơ giới đường bộ.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của UBND thành phố Hà Nội, chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành nghị định về phí bảo vệ môi trường đối với khí thải.
Trước đó, ngày 28/8, Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào; đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải lưu hành của phương tiện xe cơ giới đường bộ thông qua đăng kiểm phương tiện.
Chuyên gia lo phí chồng phí
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với VnEconomy, TS Nguyễn Xuân Thuỷ, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Giao thông Vận tải, Bộ Giao thông Vận tải nhận định, việc đồng ý cho Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô là quyết chưa hợp lý, gây khó khăn cho người dân.
Theo quan điểm của TS. Nguyễn Xuân Thuỷ, vấn đề của Hà Nội hiện nay là ùn tắc giao thông. Để giải quyết tình trạng này phải xét trên cả điều kiện cần và đủ.
Điều kiện cần ở đây là ùn tắc giao thông, song điều kiện đủ thì chưa có. Điều kiện đủ là các phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại của người dân. Mỗi ngày, Hà Nội có đến 12 triệu lượt đi lại nhưng giao thông công cộng mới đáp ứng được 10%, buộc người dân vẫn phải di chuyển bằng xe cá nhân như ôtô, xe máy.
Xe buýt BRT hiện đại nhưng chưa thu hút được người dân vì còn nhiều khuyết điểm. Các tuyến metro làm chậm, tàu điện trên cao đội vốn, làm cả chục năm vẫn chưa xong. Trong khi đó, các tuyến xe buýt thiết kế phản khoa học, thời gian chờ đợi quá lâu.
"Giao thông công cộng chưa thuận lợi thì không nên áp đặt người dân, không nên đánh vào túi tiền của họ vì đời sống nhân dân còn quá khó khăn. Những người làm công, thậm chí đi xe cà tàng kiếm sống thì số tiền phí phải đóng có khi đắt hơn cả phương tiện. Tôi phản đối thu phí phương tiện của người dân vì áp lực nên họ rất lớn, thậm chí, không có phương tiện để đi còn gây thêm ùn tắc triền miên, lớn hơn cả ùn tắc hiện nay", chuyên gia Nguyễn Xuân Thuỷ nói.
Cũng theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, đề xuất quy định mức phụ thu ô nhiễm môi trường của Hà Nội sẽ dẫn đến tình trạng "phí chồng phí". Bởi hiện tại, mỗi lít xăng xe người dân đã phải trả 4.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Trong khi đó, mua một chiếc xe máy hay một chiếc ôtô đã phải chịu nhiều loại phí như phí trước bạ, thuế nhập khẩu…
"Nếu tiếp tục thu phí vào nội đô, phụ thu ô nhiễm môi trường nữa thì người dân cõng trên lưng bao nhiêu loại thuế phí?
Do đó, theo ông Thuỷ, giải pháp căn cơ nhất để giảm ùn tắc giao thông đô thị Hà Nội hiện nay là mở rộng các tuyến giao thông công cộng, chủ chốt là đường sắt đô thị, xe buýt phải được thiết kế mạng lưới hợp lý. Khi thu hút được người dân tham gia rồi thì họ sẽ tự bỏ phương tiện cá nhân để di chuyển bằng xe công cộng.
Trong khi đó, TS. Lương Hoài Nam lại cho rằng, ông ủng hộ quan điểm của Hà Nội. Đây đều là các đề xuất nằm trong tổng thể đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030".
Theo ông Nam, Hà Nội sẽ từng bước thực hiện các giải pháp, cấm dần xe máy, phát triển giao thông công cộng phù hợp với lộ trình, từ đó, giúp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.