20:37 23/08/2021

Hà Nội: Nhiều trường ngoài công lập giảm học phí, chia sẻ khó khăn với phụ huynh

Thanh Xuân

Đây là năm thứ hai phải dạy học trực tuyến để ứng phó với dịch bệnh nhiều trường ngoài công lập tại hà Nội đã giảm học phí để chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thời điểm này, Hà Nội chính thức có quyết định về ngày tựu trường song trước đó, nhiều trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố đã có lịch học trực tuyến từ sớm và một số trường cũng công khai học phí trực tuyến ngay khi học sinh nhập học.

NHIỀU TRƯỜNG NGOÀI CÔNG LẬP GIẢM HỌC PHÍ VỚI MỨC KHÁC NHAU

Cụ thể, Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Lương Thế Vinh đã có thông báo về việc giảm học phí cho học sinh trong trường từ tháng 7/2021 đến khi kết thúc học trực tuyến. Theo thông tin từ phía nhà trường, việc giảm học phí nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh trong đại dịch Covid-19. Mức học  phí được giảm như sau: Khối 6, 7, 10 và 11 thu 75% so mức học phí hiện nay. Khối 8, 9 và 12 mức phí giảm còn 2.000.000 đồng/tháng.

Tương tự, Trường Lomonoxop cũng có kế hoạch giảm 20% học phí cho học sinh. Nhà trường ngay lập tức công khai thông tin khi học sinh nhập học. Ngoài ra, do không đến trường học trực tiếp nên các khoản tiền ăn trưa, tiền học bán trú sẽ không thu.

Không chỉ Lương Thế Vinh hay Lomonoxop mà một số trường ngoài công lập khác cũng đồng loạt giảm học phí trong thời gian học trực tuyến như Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Trường Newton học phí giảm còn 75%, Trường tiểu học Archimede Acamedy giảm còn 80%…

Một phụ huynh có con theo học tại trường tiểu học ngoài công lập ở Hà Nội cho biết, trường con chị giảm 25% học phí khi học trực tuyến là chưa thỏa đáng. Theo chị giảm 50% là mức hợp lý nhất. Vì học online chỉ là  hình thức, lãng phí thời gian, sức lực của cô giáo cũng như phụ huynh và các con mà không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Cũng theo vị phụ huynh này, “Dịch bệnh còn kéo dài nên con chị phải học trực tuyến. Nhưng chất lượng không được 50% so với học trực tiếp mà thu học phí 75% thì nhà trường cần tính toán lại. Nếu kéo dài mức thu như hiện nay mà không tương xứng với chất lượng thì nhiều học sinh sẽ chuyển sang công lập”.

CHIA SẺ KHÓ KHĂN VỀ HỌC PHÍ LÀ ĐIỀU CẦN THIẾT

Một số lãnh đạo nhà trường cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, nhà trường cũng như cha mẹ học sinh đều gặp nhiều khó khăn về tài chính, sự chia sẻ lúc này là rất cần thiết.

Theo thầy Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Phan Huy Chú: “Tất cả nên hỗ trợ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Đối với những trường giảm học phí chắc chắn đã xây dựng kế hoạch cụ thể và đều có sự cam kết  học phí giảm nhưng chất lượng dạy học không giảm. Song rõ ràng, nếu kinh phí không đảm bảo, các trường sẽ không thể vận hành  hiệu quả. Vì vậy rất cần sự đồng lòng giữa phụ huynh và nhà trường”.

Theo kinh nghiệm quản lý, thầy Nhâm cho biết, đối với việc học trực tuyến cả nhà trường lẫn phụ huynh học sinh đều gặp khó khăn, thậm chí khó khăn hơn cả khi học trực tiếp. Bình thường học tại trường, công việc sẽ tiến hành tuần tự theo kế hoạch nhưng khi học trực tuyến sẽ có nhiều thay đổi. Dù một số hoạt động tại trường giảm kéo theo chi phí điện, nước giảm. Tuy nhiên lại phát sinh nhiều vấn đề khác cần đầu tư như công nghệ thông tin, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ liên quan. Và hiển nhiên với các trường ngoài công lập cũng phải đảm bảo lương cho người lao động cùng nhiều chi phí khác.

Chia sẻ  về vấn đề học phí, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông M.V.Lomonoxop thông tin: “Hiện nay, Trường Lomonoxop  đã thông báo về vấn đề giảm học phí. Ngoài ra, ban phụ huynh của trường đã lập danh sách gồm 41 hoàn cảnh khó khăn cần nhà trường ưu tiên hỗ trợ”.

Theo thầy Tùng, việc giảm học phí bao nhiêu phải dựa trên những tính toán cụ thể của từng trường. Chỉ là ở mức độ nào mà cả phụ huynh lẫn nhà trường đều chấp nhận được.

Hiện nay, lương cán bộ quản lý và các thầy cô giáo đều giảm và các tiết dạy trong trường cũng giảm, đó là căn cứ để các trường giảm chi phí cho phụ huynh học sinh. Việc bớt những khoản thu nào các trường đều phải tính toán kỹ lưỡng.

Thầy Tùng nói thêm, thực tế các trường dù học trực tiếp hay trực tuyến vẫn phải chi trả nhiều khoản chi phí khác nhau.  Cụ thể như: tiền lương giáo viên, tiền đóng bảo hiểm, tiền duy trì cơ sở vật chất, tiền bảo dưỡng... Mỗi một trường tư thì ngoài giáo viên, còn khoảng 100 cán bộ, nhân viên làm công việc gián tiếp. Số tiền chi trả cho những khoản này phải đảm bảo đầy đủ để khi hết dịch, trường có thể vận hành ngay lập tức.

 

Liên quan đến vấn đề học phí, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ sở giáo dục và đào tạo về việc thực hiện chia sẻ khó khăn, hỗ trợ học sinh, sinh viên và phụ huynh trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Đối với việc triển khai dạy học trực tuyến, đề nghị các địa phương và cơ sở giáo dục cần căn cứ các công văn, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để tính toán xác định mức thu hợp lý trên cơ sở triển khai thực tế công tác dạy học theo nguyên tắc chia sẻ khó khăn chung giữa cơ sở giáo dục với phụ huynh học sinh trong tình hình dịch bệnh và công khai minh bạch.

Bên cạnh các chính sách miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập theo các quy định của Nhà nước, các bộ ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu và chỉ đạo các cơ sở giáo dục kêu gọi và huy động các nguồn lực của xã hội để có các chính sách hỗ trợ thêm như: miễn, giảm, giãn thời gian đóng học phí và các khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo cho các học sinh, sinh viên và gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2021 - 2022.