11:29 04/09/2007

Hà Nội: Phát triển nhà vướng nhiều khâu

Phan Dương

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở

Về cải tạo chung cư cũ xuống cấp, Hà Nội xác định đây là một trong các nhiệm  vụ trọng tâm đến năm 2015.
Về cải tạo chung cư cũ xuống cấp, Hà Nội xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015.
Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước đã xây dựng và thực hiện Chương trình phát triển nhà ở của thành phố để giải quyết vấn đề nhà ở của người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, cho đến nay công tác này còn nhiều vướng mắc trong hầu hết các loại hình nhà ở.

Trong các dạng nhà ở hiện nay tại Hà Nội, mô hình nhà ở tái định cư được coi là bất cập nhất. Trên địa bàn thành phố đang triển khai thực hiện giải phóng mặt bằng gồm 276 dự án, trong đó nhu cầu bố trí tái định cư khoảng 13.000 hộ gia đình.

Nan giải nhà ở tái định cư

Theo kế hoạch năm 2007, dự kiến hoàn thành 155 dự án với tổng số hộ liên quan đến giải phóng mặt bằng là 17.051 hộ dự kiến phải bố trí tái định cư cho 5.467 hộ gia đình. Theo kế hoạch, năm 2005-2010, thành phố phải hoàn thành các công trình trọng điểm để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nên nhu cầu về quỹ nhà, quỹ đất tái định cư rất lớn cho các công trình trọng điểm.

Song, qua một thời gian ngân sách đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư, đến nay đã phát sinh một số bất cập trong quá trình đầu tư, quản lý, khai thác vận hành như: việc phê duyệt dự án cắt giảm một số hạng mục thiết bị (máy phát điện dự phòng, chỉ cho quét vôi...).

Sự thiếu đồng bộ thể hiện trong đầu tư xây dựng của từng ngôi nhà cũng như trong toàn bộ dự án, nhiều khi chưa xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật, xã hội đã bàn giao nhà cho dân. Công ty quản lý nhà tiếp nhận quỹ nhà từ các chủ đầu tư để bàn giao cho các hộ dân nhưng không có khoản thu để quản lý, vận hành các khu nhà này.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, năm 2006, UBND thành phố có quyết định về việc giao kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2006 cho các dự án xây dựng nhà ở tái định cư năm 2006 với tổng số vốn là 750 tỷ đồng. Tuy nhiên đến hết năm 2006 theo số liệu của Sở Tài chính và Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội thì các chủ đầu tư mới thanh quyết toán giải ngân được 400 tỷ đồng.

Theo phản ánh của các chủ đầu tư, tính đến hết tháng 12/2006, số hồ sơ đủ điều kiện để thanh quyết toán nhưng không có tiền để giải ngân khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Do vậy, tiến độ xây dựng nhà tái định cư thường chậm hơn nhiều so với tiến độ phê duyệt trong dự án đầu tư. Đến hết tháng 6/2007, tất cả các dự án vẫn chưa được ứng vốn để thực hiện. Do vậy một số dự án xây dựng nhà tái định cư hoàn thành chậm hơn so với tiến độ cam kết đầu năm, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ giải phóng mặt bằng của các dự án trọng điểm.

Trong năm nay, giá vật tư, nguyên liệu tăng cao, một số chủ đầu tư xin điều chỉnh lại tổng mức đầu tư của các dự án, lấy lý do để kéo dài thời gian hoàn thành nhà tái định cư, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao nhà cho thành phố. Một số chủ đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư cho thành phố khẳng định: một số dự án đã đấu thầu xây dựng, tuy nhiên thành phố chưa đáp ứng đủ 20% vốn theo hợp đồng ứng trước cho các đơn vị thi công do vậy việc triển khai xây dựng một số dự án mới rất chậm.

Để hoàn thành 4.711 căn hộ và lô đất phục vụ nhu cầu tái định cư năm 2007 và tạo tiền đề để năm 2008 tiếp tục đầu tư hoàn thành 7.481 căn hộ và năm 2009-2010, dự kiến hoàn thành 1.041 căn hộ, thành phố cần bổ sung nguồn vốn là 489,6 tỷ đồng từ nguồn của ngân sách, quỹ đầu tư phát triển Hà Nội, tiền mua nhà tái định cư của các hộ dân. Đây cũng là thách thức không nhỏ đối với thành phố.

Vướng mắc cải tạo chung cư cũ

Về cải tạo chung cư cũ xuống cấp, Hà Nội xác định đây là một trong các nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2015. Thành phố đã tập trung thực hiện xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện kêu gọi các nhà đầu tư tham gia đầu tư theo hướng xã hội hóa nhưng nhìn chung tiến độ thực hiện còn rất chậm. Trên địa bàn thành phố hiện đang tồn trại 23 khu nhà chung cư cũ với thiết kế lạc hậu và chất lượng ở xuống cấp nghiêm trọng, 25.000 căn hộ được đưa vào chương trình cải tạo, xây mới từ khá lâu, song đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Theo các chủ đầu tư, vướng mắc của việc cải tạo chung cư cũ là ở chỗ đảm bảo cân đối thu chi của dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ thông qua khai thác có hiệu quả quỹ đất để bù vào các chi phí đầu tư cải tạo xây dựng lại. Các chung cư cũ đều nằm trong khu vực nội đô cũ, nằm trong khu vực hạn chế phát triển theo quy hoạch Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong khi đó, qua quá trình sử dụng và phát triển tự nhiên, hầu hết các gia đình đều tự cải tạo, cơi nới không phép. Mô hình nhà ở thương mại cũng đang phải đối mặt với những bức xúc của việc quản lý, vận hành và sở hữu tầng 1. Việc thu phí dịch vụ tại các khu đô thị thì chưa có khung giá chung do Nhà nước quy định, việc phân bổ giá thành cho các nhà chung cư chưa có sự thống nhất.

Trong khi đó, Ban Quản trị nhà chung cư được thành lập theo quy định, nhưng lại chưa rõ cơ quan nào ra quyết định công nhận tư cách để hoạt động. Theo Sở Tài nguyên Môi trường, một trong những nguyên nhân cơ bản là do trách nhiệm, quyền hạn các bên chưa được xác định rõ trong dự án do chủ đầu tư tự phê duyệt.

Mô hình nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội thì mới bắt đầu triển khai, nhưng trong “Đề án đầu tư xây dựng thí điểm nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2006-2008”, thành phố kiến nghị Trung ương hỗ trợ 109 tỷ đồng cho dự án tại lô 19A thuộc ô đất CT19 khu Đô thị mới Việt Hưng để xây 500 căn hộ cho thuê (trong tổng kinh phí đề án là 503 tỷ đồng). Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính đã có ý kiến rằng Hà Nội phải chủ động lo nguồn kinh phí này.