14:46 10/10/2018

Hà Nội sẽ công khai doanh nghiệp trúng thầu dự án sữa học đường sau 30 ngày

Công Minh

Hôm nay (10/10), Hà Nội đã chính thức mở thầu Chương trình Sữa học đường để tìm ra nhà cung cấp tối ưu nhất

Sữa học đường được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc...
Sữa học đường được triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc...

Chương trình Sữa học đường của Hà Nội công bố với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng.

Theo thông tin mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phiên đấu thầu chọn nhà cung cấp sữa học đường diễn ra ngày 10/10. Hà Nội đã bán hết 11 bộ hồ sơ dự thầu cho 11 doanh nghiệp sữa, trong đó có nhiều doanh nghiệp sữa lớn trên thị trường hiện nay.

Bộ hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định, chấm thầu bởi một đơn vị tư vấn độc lập do Hà Nội thuê ngoài. Sau khi đóng thầu 20-30 ngày, Hà Nội sẽ công bố đơn vị trúng thầu.

Việc đấu thầu sữa cũng được đại diện của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đưa ra trong Toạ đàm: "Sữa học đường có cần thiết hay không?" ngày 9/10 vừa qua. Ông Phạm Ngọc Tuấn (Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi đã công khai rộng rãi về việc đấu thầu vì vậy không những cả nước mà nước ngoài cũng biết về đề án. Bộ phận đấu thầu sẽ công khai hãng sữa nào trúng thầu ngay khi có thông tin để đảm bảo sự công khai, minh bạch".

Ông Tuấn khẳng định, trong quá trình đấu thầu, hãng sữa nào không đảm bảo chất lượng sữa sẽ bị loại ngay. Hiện đã có 11 đơn vị mua hồ sơ đấu thầu. Phải chờ đến thời gian đóng thầu mới có thể biết rõ số lượng nhà thầu. 

Trước đó, trong cuộc họp giao ban Hà Nội, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định triển khai đề án sữa học đường sẽ thông qua đấu thầu, đơn vị sẽ lựa chọn đối tác đơn vị đủ năng lực, sữa đảm bảo chất lượng, đặc biệt giá rẻ để học sinh, người dân được hưởng lợi từ đề án.

"Hà Nội hiện nay có 1.108 trường mầm non và 737 trường tiểu học nhưng không phải trường nào cũng có sữa cho học sinh uống. Vì vậy, khi tham gia đề án sữa học đường, nếu có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh, tất cả các em sẽ được uống sữa", ông Dũng nói.

Về chất lượng sữa, ông Phạm Ngọc Tuấn khẳng định Sữa học đường sẽ được Bộ Y tế quản lý về chất lượng sữa cung cấp. UBND Tp. Hà Nội giao Sở Y tế Hà Nội kiểm đếm chất lượng sữa từ các hãng sữa.

Hiện Hà Nội đã nhận được công văn số 4801/ATTP-KN của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường. Cục An toàn thực phẩm gửi kèm theo công văn số hiệu 437/DDHĐ&NN của Viện Dinh dưỡng ngày 17/9/2018 khuyến nghị bổ sung 3 vi chất.

Theo đó, sữa học đường sẽ có những vi chất đầy đủ "chuyên biệt" hơn so với sữa ngoài thị trường. Hồ sơ mời thầu của Hà Nội quy định trong 100 ml sản phẩm được bổ sung 3 vi chất với hàm lượng như sau: vitamin D (1-1,4 ug), sắt (1,4-1,9 mg), canxi (114-150 mg). 

Quyết định số 1340 của Thủ tướng Chính phủ trong đó cũng có mục tiêu cải thiện khẩu phần canxi, vitamin D và sắt khoảng 30% vào năm 2020. 

PGS.TS. Bùi Thị Nhung, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Học đường và Ngành nghề (Viện Dinh Dưỡng Quốc gia) cho hay, ở nhiều nước trên thế giới cũng có chương trình sữa học đường như Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… Sữa và chế phẩm sữa có mặt trên tất cả các tháp dinh dưỡng của các nước. Rất nhiều nước cũng có khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa như Nhật, Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Bỉ....

"Nhật Bản đã đạt được thành công nhất khi lồng ghép sữa học đường trong chương trình bữa ăn học đường, giáo dục dinh dưỡng và giáo dục thể chất. 4 thành tố không thể tách rời trong chiến lược cải thiện tình trạng dinh dưỡng và sức khỏe cũng như tạo ra thói quen ăn uống lành mạnh, khoa học cho trẻ em của Nhật Bản", bà Nhung nói.

Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em từ mẫu giáu cho tới tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 1340/QĐ-TT ngày 8/7/2016 với mục đích: "Cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ em uống sữa hàng ngày nhằm cải giảm tỷ lệ duy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực của trẻ em Việt Nam, góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai".

Chương trình được triển khai theo hình thức xã hội hoá, với sự tham gia đóng góp của 3 bên là nhà nước, gia đình và doanh nghiệp. Hiện cả nước có 10 tỉnh/thành triển khai chương trình sữa học đường. 

Tại Hà Nội, Đề án sữa học đường đã được phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Theo đó, chương trình hướng đến mục tiêu trẻ em mẫu giáo và tiểu học được uống ít nhất một ly sữa mỗi ngày. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp 20%, còn lại gia đình đóng góp 50%. Riêng với trẻ em và học sinh thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo… sẽ được uống sữa học đường miễn phí 100%.