Hà Nội sẽ hoàn thành hơn 410 km đường sắt đô thị vào năm 2035
Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thành thêm 200,7 km trong giai đoạn 2036-2045, đưa tổng chiều dài hệ thống đường sắt đô thị lên khoảng 616,9 km...
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Bộ Giao thông vận tải diễn ra vào chiều 30/12, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. Hà Nội, cho biết theo Quy hoạch giao thông vận tải TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và các định hướng quy hoạch khác, mạng lưới đường sắt đô thị TP. Hà Nội sẽ bao gồm 15 tuyến/đoạn tuyến với tổng chiều dài hơn 616,9 km.
Trong đó, TP. Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác 21,5 km của tuyến số 2A (đoạn Cát Linh - Hà Đông, dài 13km) và tuyến số 3 trên cao (đoạn Nhổn - Cầu Giấy, dài 8,5km), chiếm khoảng 4% trên tổng số 616,9 km.
Nhằm cụ thể hoá mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải giao thông công cộng của thành phố; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%, UBND TP. Hà Nội đã tích cực, chủ động phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng, hoàn chỉnh Đề án tổng thể đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô (Đề án).
Theo kế hoạch, TP. Hà Nội đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 410,8 km đường sắt đô thị vào năm 2035 và tiếp tục hoàn thành thêm 200,7 km trong giai đoạn 2036-2045, đưa tổng chiều dài hệ thống lên khoảng 616,9 km.
Ông Thường cũng cho biết đây là kế hoạch hết sức táo bạo và đầy thách thức. Chính vì vậy, TP. Hà Nội đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm ưu tiên bố trí vốn đầu tư; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho Thủ đô; rút ngắn trình tự, thủ tục nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành các dự án.
Hiện nay, Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị TP. Hà Nội đã được Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, thống nhất báo cáo Bộ Chính trị thông qua và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tháng 02/2025 làm cơ sở cho TP Hà Nội triển khai theo đúng tiến độ yêu cầu của Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.
Để thúc đẩy phát triển đường sắt đô thị, TP. Hà Nội đề xuất 6 giải pháp, bao gồm nhóm giải pháp về cơ chế và chính sách, xây dựng, ban hành khung chính sách thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án.
Đồng thời, ưu tiên tối đa bố trí vốn đầu tư, trong đó vai trò đầu tư công sẽ được tăng cường, kết hợp với các hình thức đối tác công-tư để giảm áp lực tài chính từ ngân sách nhà nước.
Thành phố cũng đề xuất xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn cho đường sắt đô thị, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
TP. Hà Nội kiến nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư toàn bộ mạng lưới đường sắt đô thị của thành phố, đồng thời phối hợp trong công tác quy hoạch các tuyến, ga đường sắt và các khu công nghiệp đường sắt.
Ngoài ra, TP. Hà Nội cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, đặc biệt là các tuyến đường sắt vành đai để đồng bộ hóa hệ thống giao thông công cộng của thành phố.