Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
5 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh, chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể đã tăng 20% - 30% so với cùng kỳ năm ngoái...
Theo báo cáo vừa công bố của Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, xe máy (2.941 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (921 doanh nghiệp), xây dựng (724 doanh nghiệp),...
Tuy nhiên, về doanh nghiệp thành lập mới, tính chung 5 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 78.300 doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020
Góp phần vào thành quả chung của cả nước, Hà Nội cũng ghi nhận những điểm sáng tích cực. Riêng trong tháng 5/2021, Hà Nội có 2.238 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước; đồng thời có 644 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trở lại, tăng 51%.
Có được kết quả này là nhờ thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm phục hồi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên phát triển các lĩnh vực trọng yếu, có tính bứt phá của thành phố.
Trong đó, thành phố đã triển khai nhanh, kịp thời các giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, như giãn, hoãn thuế, cơ cấu nợ, giảm lãi suất tín dụng… Cục Thuế thành phố đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh xác định số thuế, tiền thuê đất để được gia hạn thời hạn nộp và thực hiện thủ tục đề nghị gia hạn. Sở Công thương thành phố cũng đã đảm bảo cung ứng hàng hóa; tổ chức tốt các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa...
Đặc biệt, UBND TP.Hà Nội vừa chính thức công bố triển khai chương trình hỗ trợ chữ ký số và hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2021.
Theo đó, doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội thành lập mới trong năm 2021 được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% phí sử dụng 01 năm chữ ký số và 500 hóa đơn điện tử của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel và 3 đơn vị khác là Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông VNPT Vinaphone, Công ty Cổ phần MISA, Công ty Cổ phần Bkav. Đây là các nhà cung cấp uy tín đã được lựa chọn dựa trên các tiêu chí khắt khe về uy tín, quy mô, năng lực triển khai và chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, Hà Nội cũng triển khai các phương án hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thông qua thương mại điện tử toàn cầu. Dự kiến giai đoạn 2021-2025 chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu của Hà Nội tăng 5%/năm. Trong đó, các thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là: dệt may, da giày, điện tử - máy tính, máy móc thiết bị, nông sản, đồ gỗ, phương tiện vận tải,...
“Trong thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Amazon Global Selling, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo chuyên ngành với các hoạt động đào tạo chuyên sâu, hướng dẫn 1:1 miễn phí, giúp doanh nghiệp có nhiều kỹ năng hơn trong việc xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ và tìm thêm được các kênh xuất khẩu, thị trường mới phù hợp qua thương mại điện tử..." bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay.
Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông Lê Văn Quân - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp thành phố Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội), thành phố đã và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; phát triển thêm từ 2 đến 3 không gian khởi nghiệp; đào tạo chuyên sâu cho các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp sáng tạo; triển khai một số chương trình đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số...
Đáng chú ý là, doanh nghiệp thành lập mới sẽ được thành phố hỗ trợ phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp, phí chuyển phát nhanh kết quả thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực sản xuất, chế biến...