Hà Tĩnh phát triển kinh tế xanh thông qua trồng rừng gỗ lớn đạt chứng chỉ bền vững FSC
Hà Tĩnh tích cực khuyến khích người dân trồng và chăm sóc rừng theo tiêu chuẩn quốc tế FSC của châu Âu, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế rừng. Toàn tỉnh đã có 34.524 ha rừng được chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC. Đây được xem là điều kiện quan trọng để tỉnh có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng trong tương lai...

Theo Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh, bình quân mỗi năm, tỉnh này trồng mới được khoảng 8.000 ha rừng các loại; trong đó có gần 95% là rừng sản xuất, còn lại là rừng phòng hộ và khoảng 3 triệu cây phân tán.
Ngoài ra, trên địa bàn toàn tỉnh còn duy trì khoanh nuôi gần 2.800 ha rừng tái sinh, làm giàu hơn 200 ha rừng tự nhiên. Cùng với giá trị phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giữ gìn môi trường sinh thái, việc phát triển rừng đã giúp Hà Tĩnh đạt sản lượng khai thác gỗ rừng trồng 500.000 m3/năm, tạo việc làm cho hơn 50.000 lao động.
HƠN 34,5 NGHÌN HA RỪNG ĐƯỢC CHỨNG NHẬN QUẢN LÝ RỪNG BỀN VỮNG FSC
Nhằm nâng cao giá trị sản xuất thúc đẩy kinh tế cho địa phương và phát triển rừng bền vững những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhiều tổ chức, cá nhân đang đẩy mạnh phát triển rừng để xây dựng chứng chỉ bền vững (FSC).
Rừng đạt chứng chỉ FSC tạo điều kiện để người dân kết nối với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm lâu dài, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị gỗ rừng trồng hiệu quả, minh bạch. Chứng nhận FSC cũng sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các mặt hàng gỗ xuất khẩu khi tiếp cận với các thị trường khó tính như: EU, Hoa Kỳ…

Nhằm quản lý rừng theo hướng bền vững, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp với các địa phương, đơn vị chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; phối hợp triển khai khảo sát, thu thập thông tin, xây dựng kế hoạch và tuyên truyền đến các chủ rừng tham gia cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC.
Cùng với đó, Sở cũng chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây lâm nghiệp chất lượng cao vào trồng rừng; khuyến khích người dân thuê khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ, chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn;…
Đến nay, đa số người dân, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia, triển khai thực hiện đánh giá cấp chứng chỉ rừng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Theo đó, toàn tỉnh đã có 34.524 ha rừng được chứng nhận quản lý rừng bền vững FSC. Đây cũng được xem là điều kiện quan trọng để tỉnh có thể tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng trong tương lai.
Hà Tĩnh phấn đấu tới năm 2030 có khoảng 37.000 ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, gồm rừng trồng sản xuất 32.000 ha, rừng cao su 5.000 ha.
RỪNG TRỒNG THEO CHUẨN FSC MANG LẠI HIỆU QUẢ, GIÁ TRỊ KINH TẾ CAO HƠN
Điển hình như tại xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn có hơn 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp; trong đó, rừng tự nhiên chiếm 7.000 ha, rừng trồng sản xuất 3.000 ha. Những năm qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về hiệu quả rừng trồng theo chứng chỉ FSC. Từ đó, diện tích rừng trồng theo mô hình FSC tại địa phương ngày càng tăng lên, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người trồng.
Những hộ trồng rừng tại địa phương cho biết trước đây bà con ít chú ý đến chất lượng cây giống, kỹ thuật chăm sóc nên năng suất thấp và thường xuyên bị thương lái ép giá. Từ khi chuyển đổi rừng theo tiêu chuẩn FSC, diện tích rừng của các hộ dân được quản lý chặt chẽ, chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng gỗ được nâng cao.
Gỗ rừng được cấp chứng chỉ FSC có giá bán ra cao hơn rừng thường từ 10 - 15%, tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn 1,2 - 1,5 lần so với trước đây. Ví dụ như gia đình ông Nguyễn Sỹ Hùng (thôn Trung Lưu, xã Sơn Tây) với 15 ha rừng keo tràm theo chứng chỉ FSC, trừ chi phí, mỗi chu kỳ thu hoạch (7 - 8 năm) thu lãi 750 triệu đồng, cao hơn 300 triệu đồng so với cách trồng, chăm sóc và thu hoạch truyền thống.
Theo lãnh đạo xã Sơn Tây, đa số diện tích rừng trồng trên địa bàn chủ yếu là cây keo tràm và cho thu hoạch sau 4 - 5 năm. Nếu khai thác rừng theo cách truyền thống chỉ có thể bán dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60 - 80 triệu đồng/ha; thu nhập bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha/năm. Trường hợp chuyển thành rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC thì sau 7 - 8 năm mới tiến hành khai thác, giá trị gỗ thu được khoảng 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm.
Với việc chuyển đổi này, chi phí đầu tư thấp hơn so với trồng rừng gỗ nhỏ vì giai đoạn về sau chủ yếu là bảo vệ rừng thay vì trồng lại rừng. Trong thời gian chờ thu hoạch đối với rừng FSC, người dân có thể tiến hành tỉa thưa, vừa có thu nhập trang trải cuộc sống, vừa giúp cây có không gian để sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Để phát triển trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC phục vụ chế biến và xuất khẩu, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều giải pháp mang tính chiến lược như hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách về lâm nghiệp; nâng cao năng lực quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng; tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm gỗ theo chuỗi giá trị gỗ rừng trồng; khuyến khích người dân sử dụng giống có nguồn gốc, chất lượng để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng; củng cố các hợp tác xã lâm nghiệp bền vững.
Hà Tĩnh hiện có gần 365 nghìn ha rừng và đất lâm nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc hấp thụ và lưu trữ carbon. Theo ước tính, tỉnh này có thể bán khoảng 2 triệu tín chỉ carbon mỗi năm cho các tổ chức quốc tế, thu về khoảng 10 triệu USD. Để khai thác hiệu quả tiềm năng tín chỉ carbon tại Hà Tĩnh, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cho các bên liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ rừng Hà Tĩnh tiếp cận sàn giao dịch tín chỉ carbon quốc gia..