09:34 10/07/2025

Hà Tĩnh tận dụng hơn 570ha đất ngắn hạn phát triển du lịch cộng đồng, sinh thái

Nguyễn Thuấn

Sở hữu quỹ đất tiềm năng chưa khai thác, Hà Tĩnh đang chủ động chuyển hóa nguồn lực đất đai thành động lực phát triển du lịch, tạo sinh kế và gia tăng trải nghiệm cho du khách...

Du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng, xã Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Du lịch văn hóa sinh thái Hải Thượng, xã Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng vừa ký ban hành Văn bản số 4523/UBND-KT2 về quản lý, khai thác quỹ đất ngắn hạn phục vụ phát triển du lịch. Văn bản yêu cầu các sở, ngành và chính quyền cấp xã chủ động phối hợp, triển khai khai thác, cho thuê đất ngắn hạn để hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, phát huy lợi thế đất đai hiện có.

KHAI THÁC ĐẤT NGẮN HẠN, KÍCH HOẠT TIỀM NĂNG DU LỊCH BẢN ĐỊA

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng 576,7 ha đất nằm tại các vị trí thuận lợi, có thể cho thuê ngắn hạn nhằm phục vụ phát triển du lịch. Đây chủ yếu là các khu đất chưa được sử dụng lâu dài, nhưng có tiềm năng lớn trong việc hình thành điểm dừng chân, không gian trải nghiệm văn hóa – thể thao và du lịch cộng đồng.

Nguồn lực đất đai này nếu được tổ chức khai thác hiệu quả sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong việc hình thành hệ sinh thái du lịch mang tính bản địa. Các loại hình như du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề truyền thống, sự kiện thể thao – văn hóa cộng đồng có thể góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gia tăng trải nghiệm cho du khách, nhất là tại các khu vực ven biển, miền núi, làng nghề.

Hà Tĩnh hiện có bờ biển dài 137 km, cùng nhiều thắng cảnh, di tích văn hóa nổi tiếng như biển Thiên Cầm, chùa Hương Tích, hồ Kẻ Gỗ... Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nông thôn và du lịch cộng đồng.

Thời gian qua, Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chủ trương thúc đẩy phát triển ngành du lịch, trong đó có định hướng tận dụng hiệu quả tài nguyên đất đai để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thực tế triển khai còn gặp vướng mắc về pháp lý và cơ chế thực hiện, khiến tiềm năng quỹ đất ngắn hạn chưa được khai thác đúng mức.

CƠ CHẾ MỚI, LINH HOẠT VÀ PHÙ HỢP THỰC TIỄN

Văn bản chỉ đạo mới được ban hành trong bối cảnh Hà Tĩnh đã hoàn thành tổ chức lại mô hình chính quyền theo hai cấp (tỉnh và xã). Theo đó, thẩm quyền cho thuê đất ngắn hạn được phân cấp cụ thể: UBND cấp xã và Tổ chức phát triển quỹ đất sẽ trực tiếp triển khai các thủ tục theo quy định hiện hành.

Một điểm đáng chú ý là việc cho thuê đất ngắn hạn không cần thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư và cũng không bắt buộc phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất dài hạn như các dự án lớn. Việc ký kết hợp đồng thuê đất được thực hiện linh hoạt, trên cơ sở pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho cả địa phương lẫn các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư.

Để đảm bảo định hướng phát triển phù hợp, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn xây dựng các mô hình khai thác phù hợp với từng khu đất. Các mô hình được khuyến khích bao gồm: du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, trải nghiệm làng nghề, hoạt động thể thao – văn hóa, tổ chức tour cộng đồng…

Trên cơ sở đó, các địa phương sẽ chủ động rà soát, xác định vị trí đất phù hợp để bố trí các không gian phục vụ du lịch như điểm dừng chân, gian hàng giới thiệu đặc sản, khu trải nghiệm nông nghiệp, khu trình diễn văn hóa dân gian... Qua đó, góp phần xây dựng hình ảnh một Hà Tĩnh thân thiện, gần gũi, hấp dẫn du khách.

Chủ trương này được đánh giá là bước đi cụ thể, thiết thực trong bối cảnh bộ máy chính quyền cấp cơ sở đã được kiện toàn, tạo điều kiện để các quyết sách phát triển du lịch có tính khả thi cao hơn.

TẠO ĐỘNG LỰC CHO NGÀNH KINH TẾ XANH

Việc khai thác quỹ đất ngắn hạn không chỉ giúp Hà Tĩnh tận dụng hiệu quả nguồn lực đất đai còn bỏ ngỏ, mà còn mở ra một hướng đi bền vững trong phát triển ngành du lịch – một trong những mũi nhọn kinh tế được tỉnh xác định ưu tiên trong giai đoạn tới.

Thông qua các mô hình du lịch gắn với cộng đồng, địa phương kỳ vọng thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư, tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm và cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là tại các vùng nông thôn, miền núi, ven biển nơi có nhiều tiềm năng nhưng còn khó khăn.

Việc phát triển các mô hình du lịch địa phương cũng góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường và gìn giữ bản sắc bản địa. Đây là nền tảng để xây dựng một hệ sinh thái du lịch hài hòa giữa khai thác và bảo tồn.

Với quyết tâm chính trị rõ ràng và cơ chế điều hành linh hoạt, Hà Tĩnh đang từng bước biến tiềm năng đất đai thành động lực phát triển ngành công nghiệp không khói, đóng góp tích cực vào mục tiêu chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh và bền vững.