10:12 27/12/2011

Hacker đang mở “tiệc tất niên”?

Phúc Minh - Song Hàn

Vào những ngày cuối năm này, tin tặc thế giới đang tập trung công phá một vài trang web lớn và có ảnh hưởng sâu rộng

Một vài website lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đang trở thành mục tiêu tấn công cuối năm của hacker.
Một vài website lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng đang trở thành mục tiêu tấn công cuối năm của hacker.
Không rầm rộ như hồi giữa năm khi đánh sập hàng loạt website khác nhau để gây tiếng vang, vào những ngày cuối năm này, tin tặc thế giới chỉ tập trung công phá một vài trang web lớn và có ảnh hưởng rộng rãi.

Theo hãng tin AP, nhóm tin tặc lớn nhất thế giới Anonymous vừa giáng một đòn nặng nề vào hãng bảo mật và tư vấn Stratfor. Mục tiêu mà nhóm này là dùng những dữ liệu thẻ tín dụng khai thác được để ăn cắp 1 triệu USD, ủng hộ các hoạt động quyên góp Giáng sinh.

Trên Twitter, tài khoản YourAnonNews nói rằng, sở dĩ Anonymous lấy được các chi tiết về thẻ tín dụng vì Stratfor chẳng thèm mã hoá số liệu. Đây là một trong những sai lầm ngớ ngẩn nhất mà nếu là sự thật thì sẽ là nỗi sỉ nhục đối với một hãng chuyên về bảo mật.

Stratfor hiện sở hữu một loạt khách hàng “máu mặt,” gồm Lực lượng Quân đội Mỹ, Lực lượng Không quân Mỹ và Sở Cảnh sát Miami. Ngoài ra, nhiều ngân hàng và những hãng công nghệ khổng lồ khác như Apple và Microsoft... cũng là khách hàng của Stratfor.

Tuy nhiên, trả lời trước báo chí, hãng bảo mật của Mỹ nói rằng, tác giả vụ đột nhập là một nhóm chưa rõ danh tính, dù trước đó Anonymous đã nhận trách nhiệm về vụ việc, và còn công khai nhiều “chiến lợi phẩm”.

Cũng trong đợt Giáng sinh này, trang web của Thượng viện Pháp đã bị hacker đánh sập và tới hôm qua (26/12) vẫn chưa khôi phục bình thường. Vụ việc diễn ra sau khi Hạ viện Pháp thông qua dự luật trừng phạt tội phủ nhận nạn diệt chủng người Armenia năm 1915.

Thủ phạm vụ tấn công này là Iskorpitx, một nhóm hacker ở Thổ Nhĩ Kỳ. Không chỉ tấn công website Thượng viện Pháp, tin tặc còn phá hoại cả trang web cá nhân của bà Valérie Boyer, người đã biên soạn dự luật đang gây căng thẳng cho quan hệ Pháp-Thổ Nhĩ Kỳ.

Các hacker người Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã nổi tiếng là những "chuyên gia tấn công chính trị", chuyên tấn công các trang web của những nước "có vấn đề" với Thổ Nhĩ Kỳ như Mỹ, Israel, Armenia, Síp…

Ở Pháp, nhóm Iskorpitx trước đây từng bắt tay với các hacker khác tấn công website của Bộ Giáo dục và Bộ Phúc lợi Xã hội vào tháng 10/2006, ngay sau khi Quốc hội Pháp thông qua đạo luật cấm phủ nhận tội diệt chủng người Armenia.

Ngoài ra, hôm 21/12 vừa qua, chỉ huy của Akincilar, một nhóm hacker khác của Thổ Nhĩ Kỳ lấy tên theo đoàn kỵ binh lịch sử thời đế quốc Ottoman, đã đưa ra lời kêu gọi tiếp tục tấn công với "Mục tiêu duy nhất là nước Pháp".

Trong một diễn biến khác, theo tờ WSJ, hôm 22/12, một nhóm tin tặc từ Trung Quốc đã chọc thủng các hàng rào bảo mật của hệ thống máy tính Phòng Thương mại Mỹ (USCC), tiếp cận hơn 300 địa chỉ Internet và mọi loại thông tin chứa trong kho dữ liệu.

Những dữ liệu này, WSJ cho hay, gồm cả thông tin về khoảng 3 triệu thành viên của tổ chức doanh nghiệp-vận động ngoài hành lang hàng đầu này của nước Mỹ. Đây được coi là một trong những vụ đột nhập liều lĩnh nhất xảy ra gần đây.

Các quan chức USCC không tiết lộ những thông tin nào bị nhóm tin tặc này đánh cắp, chỉ cho biết các nhà điều tra tìm thấy bằng chứng về việc nhóm tin tặc này lấy cắp tin nhắn trong 6 tuần qua của 4 quan chức thuộc USCC làm việc tại khu vực châu Á.

Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Geng Shuang, cho rằng lời cáo buộc nhóm tin tặc từ Trung Quốc là thủ phạm đột nhập vào hệ thống lưu trữ của USCC là "thiếu trách nhiệm, thiếu bằng chứng".

Tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Liu Weimin nói rằng ông ta chưa có thông tin về vụ này, khẳng định Trung Quốc cũng là nạn nhân của nạn tin tặc và rằng luật pháp của Trung Quốc cấm các hành vi tin tặc.