Hải Dương phát triển nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá để năm 2025 Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp...
Trong cuộc họp triển khai xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng đã yêu cầu công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
TRÁNH ĐÀO TẠO CỬ NHÂN GIỎI LÝ THUYẾT KÉM THỰC HÀNH
Theo ông Triệu Thế Hùng, hiện công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh không đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Các trường không thể cứ đào tạo những gì mình có, mà phải đào tạo những gì doanh nghiệp, xã hội cần.
Từ đó, chủ động bồi dưỡng lại hệ thống giảng viên, giáo viên phù hợp với thực tế. Còn các giáo viên có thể xuống tận doanh nghiệp tìm hiểu để xây dựng giáo án. Đồng thời, phải nỗ lực cải thiện chất lượng đào tạo, tránh tình trạng đào tạo ra quá nhiều tú tài, cử nhân giỏi lý thuyết nhưng kém thực hành.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khẳng định, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá, để năm 2025 Hải Dương cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, và năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Nói với vấn đề nhân lực, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương cho hay, tại Hải Dương, có ngành nghề thì quá dư thừa lao động nhưng có ngành nghề lại rất khó để tìm kiếm nhân sự. Để có một lao động giỏi, công nhân lành nghề, thì sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải đào tạo thêm khoảng 2 năm. Thậm chí, có doanh nghiệp phải mời giáo viên "cứng" từ Hà Nội xuống đào tạo cho lao động của mình. Vì vậy, đề nghị các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề cần liên hệ với doanh nghiệp, để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập cho sát với thực tế.
Thống kê từ Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương, hiện tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ước khoảng 108.000 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm khoảng 8,8%, cao đẳng chiếm khoảng 5,6%, trung cấp chiếm 3,9%, sơ cấp chiếm 2,3%, dạy nghề thường xuyên chiếm 64%, còn lại là lao động chưa qua đào tạo.
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương cũng thông tin thêm, tỉnh có 2 trường đại học, 12 trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường đại học, cao đẳng của Trung ương đặt trên địa bàn. Hàng năm, tỉnh có khoảng 26.000 tốt nghiệp trung học phổ thông, thời gian tới có thể tăng lên 41.000 học sinh. Tỷ lệ học sinh Hải Dương đỗ đại học chiếm khoảng 60% nhưng sau khi tốt nghiệp thì trở về làm việc tại Hải Dương không nhiều.
KHẢO SÁT CHÍNH XÁC ĐỂ CÓ GIẢI PHÁP THIẾT THỰC
Để đề án thực sự có hiệu quả, tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng việc xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng cần khảo sát chính xác tình hình nguồn nhân lực trên địa bàn, đề ra các giải pháp thiết thực gắn với các mốc thời gian cụ thể, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp.
Ngoài ra cũng yêu cầu phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với công tác đào tạo của các trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ cấu, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng đến các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, các trường đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên cần thay đổi tư duy về đào tạo để có giáo án, phương thức đào tạo mới phù hợp với yêu cầu thực tế. Trong đó, có thể tổ chức các khóa dạy nghề ngắn hạn tập trung vào một chuyên ngành theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương yêu cầu, các cơ quan chức năng khi hoàn thiện đề án phải có các giải pháp mang tính đột phá như: tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút đào tạo, tuyển dụng lao động cho doanh nghiệp. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học…
Ngành Giáo dục của tỉnh cần có định hướng, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi bước vào cấp học trung học cơ sở; phải có đánh giá hiệu quả đào tạo, học sinh, sinh viên ra trường có đáp ứng được nhu cầu của xã hội không; đánh giá hiệu quả, vai trò của các Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
Hải Dương sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng khu công nghiệp động lực, chất lượng cao để thu hút doanh nghiệp công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các trường đào tạo nghề chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần tìm hiểu, kết nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động với các trường đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục trên địa bàn.