09:02 20/01/2008

Hai khó khăn của ngành hàng hải

Ngô Vũ

Nếu không giải quyết kịp thời vấn đề là nhân lực và nhà máy sửa chữa tàu biển thì ngành hàng hải khó đạt những mục tiêu đã đặt ra

Cảng Vân Phong, Khánh Hòa.
Cảng Vân Phong, Khánh Hòa.
Bước sang năm 2008, ngành hàng hải đặt chỉ tiêu sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển đạt hơn 200 triệu tấn, sản lượng vận tải biển trên 70 triệu tấn. Tất cả đều tăng khoảng từ 13% đến 20% so với năm 2007.

Đây không phải con số quá lớn, tuy nhiên nếu không giải quyết kịp thời vấn đề là nhân lực và nhà máy sửa chữa tàu biển thì ngành sẽ khó đạt mục tiêu đề ra.

Năm vừa qua, mặc dù chịu nhiều tác động không tốt do giá dầu tăng cao, thiên tai, bão lũ... nhưng hầu hết các chỉ tiêu của ngành đều vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, đặc biệt sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt hơn 180 nghìn tấn bằng 117% kế hoạch, cao nhất từ trước tới nay. Bên cạnh đó, sản lượng vận tải biển cũng tăng ấn tượng với đội tàu biển quốc gia nâng năng suất vận tải tăng khoảng 20% lên hơn 61 triệu tấn.

Năm 2008 có thể sẽ đánh dấu là một năm nhiều khởi sắc trong hoạt động đầu tư cảng biển nước ta với hàng loạt các dự án lớn được đầu tư, khởi công xây dựng. Đặc biệt là hai cảng trọng điểm Vân Phong và Lạch Huyện.

Theo thông tin mới nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, vào ngày 25/1 tới sẽ chính thức khởi công giai đoạn khởi động của dự án cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong với hai bến xếp, dỡ hàng container, có khả năng tiếp nhận 400.000 DWT, tương đương 17.000 TEU. Còn dự án cảng nước sâu Lạch Huyện (gồm 2 bến giai đoạn khởi động có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 tấn, tương đương với 6000 TEU) cũng sẽ được khởi công chậm nhất vào tháng 2/2008.

Đây là 2 cảng có tổng vốn đầu tư khoảng gần 400 triệu USD, đóng vai trò chiến lược trong hệ thống cảng biển nước ta và đã được Chính phủ đưa vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia. Sau khi hai cảng này hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ giải quyết được nỗi “bức xúc” từ hàng chục năm nay của ngành hàng hải nước ta là chưa có được một tàu cảng đủ tiêu chuẩn quốc tế (tiếp nhận tàu trọng tải trên 500.000 tấn).

Ngoài hai cảng trọng điểm trên, nhiều dự án nâng cấp, đầu tư mới cũng sẽ được thực hiện. Tại Quảng Ninh, cũng vào đầu năm 2008, Vinalines sẽ tổ chức khởi công xây dựng bến 2, 3, 4 cảng Cái Lân, có thể tiếp nhận tàu tới 40.000 DWT. Tại Hải Phòng, Tổng công ty sẽ triển khai xây dựng và hoàn tất các cảng theo kế hoạch tại Đình Vũ. Cũng trong giai đoạn này, tại Đà Nẵng, Tổng công ty sẽ nghiên cứu xây dựng thêm cảng biển ở bán đảo Sơn Trà.

Các dự án hạ tầng cảng biển lớn đang được thực hiện cũng kéo theo nhiều khó khăn cho ngành hàng hải nước ta, nhất là nguồn nhân lực và nhà máy sửa chữa, nâng cấp tàu biển. Ông Mai Văn Phúc, TGĐ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam coi đây là vấn đề bức xúc hàng đầu mà ngành cần giải quyết trong năm 2008.

“Không chỉ Vinalines mà cả Vinashin đang mất ăn, mất ngủ vì nguồn nhân lực hàng hải. Chúng ta đang thiếu trầm trọng đội ngũ sĩ quan và thuyền viên, chưa nói về chất lượng mà số lượng đã không đáp ứng đủ”, ông Phúc nói.

Đã từ lâu các doanh nghiệp hoạt động trong ngành hàng hải vẫn đau đầu với việc không thể tìm được các sĩ quan, trưởng máy, thuyền viên. Nhiều doanh nghiệp từng phải chạy khắp nơi tìm kiếm, nhiều khi còn phải nhờ vào cả quan hệ, tình cảm để lôi kéo thuyền viên về với công ty của mình.

Ngay cả ông Phúc cũng cho rằng, ông đã từng đi khắp các nước trong và ngoài khu vực để tìm hiểu qui trình đào tạo, xây dựng trung tâm đào tạo, cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, cho tới nay đây vẫn còn là bài toán khá nan giải đối với Cục Hàng hải và các doanh nghiệp vận tải. Một khó khăn khác khiến doanh thu của Vinalines, Vinashin và các công ty hàng hải mất hàng chục tỷ đồng mỗi năm chính là việc thiếu hụt các nhà máy sửa chữa tàu biển.

“Trong khi chúng ta đang đầu tư ồ ạt hàng loạt các dự án nhà máy đóng tàu, thì lại chưa đầu tư đúng mức xây dựng nhà máy sửa chữa, nâng cấp tàu biển. Tàu chạy đến kì bảo hành, hỏng hóc, tai nạn đều phải mang sang nước ngoài rất tốn công sức và tiền bạc”, ông Phúc cho biết.

Ngoài ra, trong năm vừa qua còn có những vướng mắc từ nguyên nhân qui hoạch dàn trải chưa đồng bộ, nên có dự án nhưng không có hạ tầng giao thông, điện nước khiến nhiều dự án bị chậm trễ, không triển khai đúng tiến độ như dự án: Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), Cảng tại khu vực Hiệp Phước (Nhà Bè, Tp.HCM). Khó khăn này nếu không được tháo gỡ kịp thời sẽ khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước rất có thể sẽ e dè, chùn bước.

Theo đánh giá của Cục Hàng hải, mặc dù hoạt động vận tải biển năm 2007 đạt sản lượng cao, đội tàu phát triển mạnh tuy nhiên lượng tàu biển hoạt động trên các tuyến quốc tế bị lưu giữ tăng kỉ lục và “được” xếp hạng 7/10 quốc gia có nhiều tàu biển bị lưu giữ nhất trên thế giới.

Thực trạng này nếu tiếp tục xảy ra sẽ làm mất uy tín của ngành vận tải biển Việt Nam và làm mất đi hình ảnh của một đất nước đang chọn kinh tế biển làm bước đột phá trong nền kinh tế.