Hai nguyên nhân phía sau cú đảo chiều chóng vánh của giá dầu
Chỉ trong vòng một tuần, giá dầu thế giới đã chuyển từ đỉnh cao sang đáy sâu
Chỉ trong vòng một tuần, giá dầu thế giới đã chuyển từ đỉnh cao sang đáy sâu, và có hai nguyên nhân chính phía sau sự đảo chiều chóng vánh này - theo hãng tin CNN.
Tuần trước, giá dầu thế giới đạt mức cao nhất trong 3 năm rưỡi, khiến một số chiến lược gia cảm thấy bất ngờ vì giá năng lượng này tăng quá nhanh. Nhưng chỉ vài ngày sau, giá dầu đã chuyển sang lao dốc chóng mặt.
Lúc gần 13h chiều ngày 29/5, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York đứng ở mức 66,82 USD/thùng, giảm 1,06 USD/thùng, tương đương giảm gần 1,6% so với đóng cửa phiên liền trước. Ở mức giá này, giá dầu WTI đã giảm gần 10% so với mức đỉnh khoảng 73 USD/thùng thiết lập vào tuần trước.
Cùng thời điểm trên, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London đứng 75,63 USD/thùng, tăng 0,33 USD/thùng, tương đương tăng 0,44% so với chốt phiên liền trước. So với mức đỉnh trên 80 USD/thùng vào tuần trước, giá dầu Brent hiện đã hạ khoảng 6%.
Cú giảm mạnh của giá dầu xảy ra từ hôm thứ Sáu, do một tuyên bố từ Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới và là lãnh đạo không chính thức của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC).
Trong một hội thảo do CNN tổ chức ở St. Petersburg, Nga, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid Al-Falih, nói rằng nước này đang thảo luận kỹ lưỡng với Nga và các nước OPEC khác về tăng sản lượng khai thác dầu để giải tỏa những nỗi lo về nguồn cung toàn cầu.
Theo dự kiến, OPEC và Nga sẽ nhóm họp ở Vienna vào ngày 22/6 để thảo luận về vấn đề tăng sản lượng. Từ năm 2017 đến nay, OPEC và Nga cùng một số đối tác khác hạn chế khai thác dầu nhằm giảm bớt lượng dầu thừa, vực dậy giá dầu sau đợt giảm sâu vì nguồn cung dư thừa mấy năm trước.
"Mục đích của tất cả các nước sản xuất dầu là đảm bảo rằng thị trường dầu tiếp tục lành mạnh, và nếu điều này đồng nghĩa với việc điều chỉnh chính sách vào tháng 6, thì chúng tôi chắc chắn chuẩn bị sẵn sàng để làm điều đó", ông Al-Falih phát biểu.
Vị Bộ trưởng Saudi Arabia cũng nói OPEC và Nga có thể cung cấp thêm dầu ra thị trường toàn cầu "trong tương lai gần" để bù đắp cho sự hao hụt sản lượng dầu của Venezuela và ảnh hưởng của lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran.
"Chỉ riêng ấn tượng về việc nới lỏng hạn chế nguồn cung dầu cũng đã đủ để chặn sự tăng giá của dầu", ông Hussein Sayed, chiến lược gia trưởng thị trường thuộc FXTM, phát biểu. "Từ nay đến cuộc họp tháng 6, cuộc bàn luận đang diễn ra sẽ tiếp tục chi phối giá dầu".
Trong bối cảnh như vậy, những thông tin liên quan đến hoạt động khai thác dầu của Mỹ là nhân tố quan trọng thứ hai gây sức ép mất giá lên "vàng đen". Thống kê mới nhất cho thấy số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ tăng mạnh, báo hiệu sản lượng dầu của nước này có thể tăng trong thời gian tới.
Từ giữa năm 2016 đến nay, sản lượng dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 25%, một phần do các nhà khai thác dầu đá phiến của nước này tranh thủ giá dầu hồi phục.
Theo dữ liệu từ công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ trong tuần trước đã đạt mức cao nhất từ đầu năm, và cao hơn mức trung bình của năm 2017.
Theo một số chuyên gia, ngưỡng hợp lý của giá dầu là trong khoảng 60-70 USD/thùng. Đây được xem là vùng giá đủ cao để đảm bảo nguồn cung, và cũng đủ thấp để duy trì nhu cầu.
Saudi Arabia hiểu rằng họ phải đảm bảo một hế cân bằng mong manh. Giá dầu cao giúp Riyadh đảm bảo ngân sách quốc gia, và tốt cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty dầu lửa quốc gia Aramco.
Tuy nhiên, giá dầu cao có thể cản trở tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ dầu suy giảm - điều mà Saudi Arabia và các nước xuất khẩu dầu khác không hề mong muốn.