07:42 09/06/2022

Hải Phòng nỗ lực khơi thông nguồn vốn đầu tư công

Trương Quốc Cường

Sau nhiều năm đứng trong top những tỉnh thành có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất nước, Hải Phòng đã rơi vào nhóm trung bình thấp trong nửa đầu năm 2022. Kết quả không mấy tích cực này đòi hỏi thành phố cần có những giải pháp quyết liệt để bảo đảm đúng kế hoạch trung ương giao...

Tính đến ngày 15/5/2022 số vốn đầu tư công đã giải ngân của Hải Phòng mới đạt hơn 2.316 tỷ đồng
Tính đến ngày 15/5/2022 số vốn đầu tư công đã giải ngân của Hải Phòng mới đạt hơn 2.316 tỷ đồng

Năm 2022, Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công cho Hải Phòng là 12.700 tỷ đồng, và Hội đồng Nhân dân thành phố giao 18.100 tỷ đồng, tăng 20% so với kế hoạch của năm 2021.

Tuy nhiên, tính đến ngày 15/5/2022 số vốn đầu tư công đã giải ngân của Hải Phòng mới đạt hơn 2.316 tỷ đồng, bằng 12,8% kế hoạch thành phố giao và bằng 18,2% kế hoạch Chính phủ giao, “tụt hạng chóng mặt” xuống vị trí thứ 47/63 địa phương trong việc giải ngân vốn đầu tư công - thứ hạng thấp nhất của Hải Phòng so với những năm gần đây.

NHỮNG VƯỚNG MẮC CƠ BẢN

Trên thực tế, điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng vẫn nằm ở một số vấn đề mang tính cố hữu (tương tự như các địa phương khác), Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long cho biết, nhiều dự án Hải Phòng bị chậm giải ngân là do chậm giải phóng mặt bằng, do kiến nghị của nhiều cá nhân, tổ chức liên quan tới đơn giá, nguồn gốc đất…

"Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng các loại chi phí, đặc biệt là chi phí xây lắp, chi phí giải phóng mặt bằng, nếu dự án đầu tư công được triển khai sớm thì sẽ sớm hoàn thành phục vụ cho sự phát triển kinh tế, tạo thêm sự đồng thuận trong toàn xã hội khi mọi người nhận thấy sự đóng góp rất lớn của thành phố trong việc giải ngân vốn đầu tư công, tạo sức hút đầu tư đến với Hải Phòng”, ông Nguyễn Hoàng Long cho hay.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cũng phân tích thêm: “Nếu chúng ta bỏ tương đương 5% GDP về vốn đầu tư công thì chúng ta sẽ thu hút được 10% vốn của các doanh nghiệp tư nhân và giúp giải quyết được trên 1,2% việc làm và tương đương khoảng đó để tăng trưởng GDP”.

Với vai trò là cơ quan kiểm soát và thanh toán vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước thành phố Hải Phòng cho biết đang tăng cường phối hợp với các sở ngành chức năng liên quan và các chủ đầu tư, nắm bắt thực tiễn triển khai từng dự án, từng gói thầu; Thực hiện kiểm soát chi chặt chẽ để đảm bảo việc giải ngân vốn đầu tư công kịp thời đúng quy định, bảo đảm nguyên tắc thanh toán trước kiểm soát sau đối với hợp đồng thanh toán nhiều lần.

Theo  Phó giám đốc kho bạc nhà nước Hải Phòng Ngô Hải Trường, đến 24/5/2022, tồn quỹ ngân sách địa phương là hơn 15,479 tỷ đồng,  ngân sách thành phố hơn 10 nghìn tỷ, ngân sách quận huyện 4.200 tỷ và ngân sách phường xã là 227 tỷ đồng. Tổng đơn này còn được tiếp tục trong quá trình thực hiện thu chi ngân sách, đảm bảo đầy đủ việc thanh toán chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

Nguồn vốn đầu tư có sẵn nhưng chưa được giải ngân, trong khi thành phố đang cần mọi nguồn lực để phát triển kinh tế xã hội. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đã trở thành yêu cầu cấp thiết của Hải Phòng

NHIỀU GIẢI PHÁP KHƠI THÔNG NGUỒN VỐN ĐẦU TƯ CÔNG

Trước thực trạng trên, UBND TP Hải Phòng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các sở, ngành; UBND các quận, huyện, các ban quản lý dự án. Tại đây, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang chỉ đạo các ngành chức năng cần làm rõ nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng ở mức thấp. Đồng thời, yêu cầu Hải Phòng cần có cách làm khác, quy định rõ trách nhiệm cá nhân, tiêu chí đánh giá người đứng đầu trong việc giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu các địa phương tập trung vào 3 nội dung chính trong công tác giải ngân vốn đầu tư công của Hải Phòng.

Một  là, giải ngân đấu thầu và lập chủ trương đầu tư các dự án mới, đặc biệt chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện nghiêm các quy định về đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực và trách nhiệm.

Hai  là, thực hiện rà soát điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt còn thiếu vốn.

Ba  là, thực hiện kiểm điểm trách nhiệm tập thể người đứng đầu và cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.  

Theo kế hoạch, tháng 9/2022 UBND TP Hải Phòng sẽ tiếp tục xem xét đánh giá hiệu quả thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn. Bám sát kế hoạch đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng Nguyễn Hoàng Long cho biết Sở cũng đã hướng dẫn các chủ đầu tư trong quá trình lập chủ trương đầu tư cần xem xét đánh giá kỹ giá trị dự án đầu tư. Đồng thời, Sở cũng đang kiến nghị với UBND thành phố đưa việc đánh giá, rà soát thu hồi đất vào ngay trong giai đoạn chủ trương đầu tư.

Cùng với đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất UBND thành phố và được đồng ý thành lập tổ công tác do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân phụ trách, nhằm đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, trong quá trình thực hiện Sở cũng tiến hành giải quyết các khó khăn vướng mắc của dự án trong quy trình về đầu tư, giải phóng mặt bằng.  

Theo đó, các quận huyện, các ban dự án trên địa bàn Hải Phòng phải cam kết đến hết tháng 6/2022 sẽ giải ngân được 40% tổng vốn đầu tư. Hết tháng 9 con số đó phải đạt đến 60% và đến hết tháng 12/2022 phải đạt hơn 90% tổng vốn đầu tư công.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng đã đưa ra cam kết, đưa vào thi đua, đánh giá của người đứng đầu, nhấn mạnh yêu cầu sự nỗ lực không phải chỉ của các cấp lãnh đạo mà các cấp thực hiện cũng phải có sự nỗ lực.

Đồng thời Sở cũng đang phối hợp chặt chẽ cùng các sở ban ngành và các chủ đầu tư khác trên địa bàn, tìm giải pháp thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao nhất. Góp phần giúp Hải Phòng đạt được chỉ tiêu tăng trưởng của thành phố trên 13% trong năm 2022.