Hải Phòng xác định 6 mục tiêu trọng tâm để thích ứng với dịch, phục hồi kinh tế trong năm 2022
Bước vào giai đoạn bình thường mới, Hải Phòng xác định thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, bảo vệ tối đa sức khỏe nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cùng với đó quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19...
Trình bày tham luận tại Diễn đàn thường niên Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2022 sáng ngày 14/1, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho biết, nhờ các giải pháp quyết liệt, kịp thời nên mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, Hải Phòng đã đạt được những kết quả nổi bật, toàn diện trên mọi lĩnh vực, tiếp tục trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Cụ thể, GRDP thành phố tăng trưởng 12,38%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước và là 1 trong 2 địa phương có tăng trưởng ở mức 2 con số.
Tổng thu ngân sách đạt trên 95 nghìn tỷ, vượt 24% dự toán Trung ương giao, trong đó thu nội địa đạt 36.642 tỷ, vượt trên 39% so với Trung ương giao và vượt 4,7% dự toán Hội đồng nhân dân thành phố giao.
Thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,26 tỷ đô la Mỹ, gấp gần 3,5 lần so với năm 2020, đứng đầu cả nước. Sản lượng hàng qua Cảng đạt trên 151 triệu tấn, tăng trưởng 8,05%.
KHÓ KHĂN THÁCH THỨC ĐAN XEN
Đánh giá cao việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 35 ngày 13/11/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cho rằng Nghị quyết sẽ là công cụ pháp luật quan trọng để thành phố phát triển bứt phá trong thời gian tới, nhưng với quan điểm là phát triển không chỉ riêng cho mình Hải Phòng mà còn vì sự phát triển chung, là động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước. Bởi theo ông, tại khu vực miền Bắc, ngoài Thủ đô Hà Nội, hiện chưa có tỉnh, thành phố nào được thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để góp phần cùng Hà Nội phát triển khu vực Bắc Bộ.
"Với vị trí là một trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước, Thành phố đã tập trung nâng cấp và đầu tư xây dựng mới hạ tầng cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển vận tải biển khu vực và quốc tế", Phó Chủ tịch UBND Hải Phòng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Thọ cũng đánh giá, bên cạnh các thuận lợi, thế mạnh có được, Thành phố Hải Phòng đang phải đối điện với nhiều khó khăn, thách thức, cản trở sự phát triển.
Cụ thế, sự phát triển của kinh tế xã hội cùng nhu cầu ngày càng lớn của việc xuất, nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển quốc tế Hải Phòng đã và đang là thách thức lớn với hạ tầng kinh tế xã hội thành phố, nhất là hạ tầng giao thông.
Một khó khăn khác là thành phố chưa có trung tâm logistics hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới. Thể chế quản trị, đầu tư, xây dựng, khai thác cảng biển chậm được đổi mới theo cơ chế thị trường; do đó khó khăn trong huy động vốn cũng như tăng hiệu quả khai thác, kết nối nguồn hàng từ các chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngoài ra, theo ông Thọ, với vị trí đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, kinh tế thành phố có độ mở lớn, khả năng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, có Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và hệ thống 20 khu, cụm công nghiệp đang hoạt động với khoảng 200.000 lao động, Hải Phòng sẽ là một trong những địa phương chịu sự tác động mạnh của đại dịch Covid-19.
6 GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM NĂM 2022
Nhận định tình hình quốc tế, trong nước năm 2022 có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen với dịch bệnh có thể kéo dài và phải chấp nhận sống chung lâu dài, ông Thọ cho biết Hải Phòng xác định sự ổn định trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng cải thiện, sự lan tỏa của cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Theo đó, Hải Phòng xác định 6 giải pháp trọng tâm để tiếp tục phát triển bứt phá về kinh tế - xã hội trong năm 2022 theo mục tiêu đề ra.
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương về công tác phòng, chống dịch Covid-19; chủ động từ sớm, từ xa trong việc xây dựng các kế hoạch, kịch bản để ứng phó kịp thời, linh hoạt, sáng tạo trong mọi tình huống; thực hiện bằng được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; tạo môi trường đầu tư ổn định, an toàn để doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Hai là, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu: công nghiệp công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp nhằm sớm đưa vào hoạt động năm 2022, tạo thêm năng lực sản xuất và sản phẩm mới cho nền kinh tế.
Ba là, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, triển khai quyết liệt các thủ tục đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng, sẵn sàng các điều kiện để thu hút làn sóng đầu tư mới.
Bốn là, với tinh thần luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch nhằm biến “nguy” thành “cơ”, thành phố luôn coi công tác hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cụ thể:
Với nhóm giải pháp này, thành phố sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh theo gói chính sách tài khoá, tiền tệ vừa được Quốc hội thông qua. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh; quyết liệt cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh;
Cùng với đó, Hải Phòng sẽ hỗ trợ kết nối nhu cầu đầu tư, hợp tác giữa nhà đầu tư nước ngoài và trong nước, giữa doanh nghiệp địa phương khác và thành phố; triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, liên kết hợp tác mở rộng các kênh phân phối hàng hóa.
Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố như: hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp; hỗ trợ của doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử; hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho của doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp...
Năm là, tập trung phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động. Tạo điều kiện thuận lợi để sớm khởi công xây dựng các dự án nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Sáu là, đẩy mạnh thực hiện Chương trình chuyển đổi số thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, coi đây là “chìa khóa” để thích ứng và vượt qua thách thức do dịch Covid-19.