15:32 19/07/2023

Hải quan chấn chỉnh quản lý hàng tạm nhập, tái xuất tránh rút ruột hàng hóa

Trâm Anh

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy trong thời gian vừa qua xảy ra một số vụ việc rút ruột hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan trong quá trình vận chuyển hàng hóa...

Đối với những vị trí nghi ngờ có khả năng thay đổi kết cấu, lợi dụng để thay đổi hiện trạng, rút ruột hàng hoá, Tổng cục Hải quan đề nghị lập biên bản chứng nhận, từ chối niêm phong và giám sát hải quan.
Đối với những vị trí nghi ngờ có khả năng thay đổi kết cấu, lợi dụng để thay đổi hiện trạng, rút ruột hàng hoá, Tổng cục Hải quan đề nghị lập biên bản chứng nhận, từ chối niêm phong và giám sát hải quan.

Đáng chú ý, ngày 22/6 vừa qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP. Hà Nội phát hiện nhóm đối tượng vận chuyển hàng hoá trái phép qua biên giới do Nguyễn Văn Hòa (sinh năm 1992, nơi ở Sóc Sơn, Hà Nội - Giám đốc Công ty TNHH chuyển phát nhanh HB) cầm đầu. 

 

Qua thực nghiệm hiện trường vụ việc, các cơ quan chức năng nhận thấy rõ thủ đoạn mới của các đối tượng là vận chuyển hàng hóa có giá trị lớn từ nước ngoài vào Việt Nam. Sau đó, lợi dụng loại hình tạm nhập - tái xuất, trong quá trình chờ xuất đi nước thứ ba, đối tượng thực hiện tráo đổi bằng các loại hàng rẻ tiền để trục lợi.

Chuyên án đang trong quá trình điều tra theo quyết định khởi tố vụ án hình sự của Công an TP. Hà Nội.

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập, mới đây, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan thực hiện thống nhất một số công việc cụ thể.

Theo đó, thứ nhất, Tổng cục Hải quan yêu cầu quán triệt đến cán bộ, công chức hải quan thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật hiện hành về thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan và các hướng dẫn của Tổng cục Hải quan tại các văn bản dưới đây.

Công văn số 4747/TCHQ-GSQL ngày 16/7/2020 về việc tăng cường công tác kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, quá cảnh; Công văn số 5577/TCHQ-GSQL ngày 21/08/2020 về việc tăng cường công tác quản lý hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập; Công văn số 1023/TCHQ-GSQL ngày 25/3/2022 và Công văn số 3002/TCHQ-GSQL ngày 22/7/2022 về việc yêu cầu sử dụng seal định vị điện tử đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan.

Theo đó, về công tác kiểm tra, giám sát hải quan, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hải quan nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa quá cảnh, hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan trong thời gian hàng hóa lưu giữ, lưu kho, thay đổi phương thức vận chuyển, phương tiện vận tải.

Đặc biệt lưu ý trong thời gian hàng hóa lưu giữ tại kho, bãi của doanh nghiệp và kho ngoại quan tại cửa khẩu xuất, cửa khẩu nhập và trong thời gian chia nhỏ container để vận chuyển sang nước nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa còn nguyên trạng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng để đánh tráo hàng hóa, thay đổi nhãn, mác, xuất xứ hàng hóa.

Cùng với đó, thực hiện kiểm tra điều kiện của phương tiện chứa hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan khi thực hiện việc niêm phong hải quan đối với hàng hóa vận chuyển. Cụ thể, phương tiện vận tải tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa phải đảm bảo có lắp đặt và sử dụng thiết bị định vị, giám sát hành trình, đảm bảo điều kiện thực hiện niêm phong hải quan như phương tiện chứa hàng hóa phải là container, xi téc, thùng xe tải, toa xe thùng, khoang chứa hàng, hầm hàng kín có tay khóa, chốt có lỗ đảm bảo gắn được niêm phong của cơ quan hải quan.

Cục hải quan các tỉnh, thành phố cũng cần giám sát hàng hóa trong thời gian chia nhỏ container để tái xuất bằng việc lập sổ theo dõi đối với từng lần thực hiện việc chia nhỏ container, trong đó ghi nhận đầy đủ thông tin về số hiệu container thực hiện chia nhỏ, ngày, giờ bắt đầu, kết thúc việc mở container, số lượng hàng hóa chia nhỏ, biển kiểm soát, loại phương tiện chở hàng lên cửa khẩu xuất.

Tiếp đến, giám sát hàng hóa vận chuyển từ kho, bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới, điểm thông quan hàng hóa đến cửa khẩu xuất.

"Thực hiện công tác giám sát hải quan bằng seal định vị điện tử khi vận chuyển hàng hóa kinh doanh tạm nhập tái xuất, hàng hóa gửi kho ngoại quan xuất ra nước ngoài từ kho, bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất nhập khẩu ở biên giới, điểm thông quan hàng hóa đến cửa khẩu tái xuất, trường hợp chưa áp dụng seal định vị điện tử thì thực hiện việc niêm phong hải quan theo quy định", Tổng cục Hải quan yêu cầu.

Đồng thời, lập Biên bản bàn giao điện tử trên hệ thống (nếu có) hoặc lập Biên bản bàn giao bằng giấy, trong đó cập nhật đầy đủ thông tin về biển kiểm soát, loại phương tiện chở hàng, ngày, giờ vận chuyển đi, ngày, giờ, vận chuyển đến đích, nơi hàng hóa vận chuyển đi, nơi hàng hóa vận chuyển đến, tên, mã số hàng hóa, số lượng, trọng lượng hàng hóa...

Thứ hai, kiểm tra kỹ tình trạng khoang chứa hàng, phương tiện chứa hàng, điều kiện niêm phong hải quan.

"Đảm bảo vị trí niêm phong hải quan được niêm chắc chắn, dễ quan sát. Đối với những vị trí nghi ngờ có khả năng thay đổi kết cấu, lợi dụng để thay đổi hiện trạng, rút ruột hàng hoá, lập biên bản chứng nhận, từ chối niêm phong và giám sát hải quan"  Tổng cục Hải quan đề nghị.

Đồng thời, các chi cục hải quan cần yêu cầu chủ hàng hoá (hoặc chủ phương tiện) khắc phục, thay đổi phương tiện, bao bì, thùng chứa hàng hoá chịu sự giám sát hải quan để đảm bảo công tác kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hoá vận chuyển độc lập.