08:01 23/03/2022

Hải quan phối hợp bắt giữ hơn 1.200 tỷ đồng hàng hóa vi phạm, tăng "nóng" gần 60%

Ánh Tuyết

Chỉ trong 2 tháng, ngành hải quan chủ trì và phối hợp bắt giữ, xử lý 2.733 vụ vi phạm, trị giá ước tính 1.230 tỷ đồng, tăng 57,39% so với năm 2021...

Vận chuyển ma tuý qua đường hàng không, cảng biển ngày càng đáng báo động.
Vận chuyển ma tuý qua đường hàng không, cảng biển ngày càng đáng báo động.

Ngày 22/3, Tổng cục Hải quan cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ đầu năm đến nay, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua diễn biến vô cùng phức tạp. 

Theo đó, toàn ngành hải quan đã tập trung điều tra, xử lý với kết quả: tổng số tiền phạt, thu nộp ngân sách nhà nước lên tới 38,014 tỷ đồng, tăng 27,27% so với năm 2021; khởi tố, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố hình sự 27 vụ, tăng 35% so với năm 2021.

 

Kết quả phát hiện, bắt giữ đợt cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, từ ngày 15/12/2021 đến ngày 15/2/2022 do ngành hải quan chủ trì và phối hợp bắt giữ, xử lý lên tới 2.733 vụ vi phạm pháp luật hải quan, tăng 29,04% so với năm 2021. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.230 tỷ đồng, tăng mạnh 57,39% so với năm 2021. 

Tổng cục Hải quan nhìn nhận, mặt hàng vi phạm pháp luật hải quan đa dạng như: mặt hàng tiêu dùng (đường cát, nước ngọt, bánh kẹo, rượu, bia, thuốc lá điếu, điện thoại di động, giày dép, túi xách quần áo, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, ngoại tệ,…); các mặt hàng cấm (ma túy tổng hợp, ma túy đá, heroin, thuốc phiện, cocain, cần sa, cá thể rùa, cá thể tê tê, vảy tê tê, ngà voi, máy móc thiết bị qua sử dụng); các mặt hàng y tế phục vụ chống dịch Covid-19...

"Phương thức hoạt động chủ yếu là khai sai tên hàng, mã hàng, lợi dụng loại hình quá cảnh, tạm nhập tái xuất, chuyển phát nhanh, thương mại điện tử, kho ngoại quan,... để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, gian lận thương mại", Tổng cục Hải quan nêu rõ.

Lợi dụng các loại hình tạm nhập tái xuất, vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới đặc biện tại một số Cục Hải quan như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; Vũng Tàu....

Đáng lưu ý, thời gian qua, do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, bùng phát nhanh trên phạm vi cả nước, nhất là Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, miền Trung dẫn đến nhu cầu về thiết bị y tế, bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, thuốc chữa bệnh Covid-19 trong nước tăng cao.

Các đối tượng lợi dụng các đường mòn, lối mở biên giới, trà trộn vào hàng hóa, cất giấu trong hành lý, lợi dụng vận chuyển hàng hóa, hành khách đường hàng không… để vận chuyển trái phép vào Việt Nam, bị cơ quan Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý.

Bên cạnh đó, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài qua địa bàn các cục hải quan tỉnh, thành phố diễn biến khá phức tạp.

Qua các vụ phát hiện và bắt giữ của các lực lượng chức năng cho thấy, tội phạm ma túy trong và ngoài nước câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh.

Lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hồng Kông.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, các lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TP. Hồ Chí Minh. Sau đó, tập kết xuất sang Đài Loan, Philippines bằng đường biển. Đây là hiện tượng đáng báo động.

"Qua công tác điều tra cho thấy, thời gian tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài lợi dụng tuyến cảng biển, tuyến hàng không để vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam, một phần để sử dụng trong nước, phần lớn để trung chuyển sang nước thứ ba", Tổng cục Hải quan nêu thực tế.

Trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.

Theo đó, ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất như hạt nhựa, nhựa tái sinh… được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng).

 

Một số vụ điển hình mà ngành hải quan phát hiện, xử lý trong thời gian qua. 

- Phát hiện, ngăn chặn kịp thời 25 container tinh quặng có chất phóng xạ. 

Sự việc bắt nguồn từ nghi vấn lô hàng 25 container tinh quặng Monazite do Công ty Đầu tư và Xuất nhập khẩu Trung Việt, địa chỉ Quy Nhơn, Bình Định mở tờ khai nhập khẩu từ Nga vào Cảng Quy Nhơn- Bình Định có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa có chất phóng xạ không đúng giấy phép. Trực ban cơ quan Tổng cục chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Bình Định phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện giám định. Kết quả, 25 container tinh quặng Monazite có chất phóng xạ Urani và Thori không đúng giấy phép, nhập khẩu.

Căn cứ kết quả phân tích thành phần chất phóng xạ, Tổng cục Hải quan báo cáo Bộ Tài chính trao đổi, xin ý kiến các cơ quan có liên quan và chỉ đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Quy Nhơn xử lý vi phạm đối với doanh nghiệp về hành vi “Nhập khẩu vật liệu phóng xạ không đúng các thông số kỹ thuật ghi trong giấy phép”.

Đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tái xuất toàn bộ lô hàng trong thời hạn 10 ngày. Đến thời điểm hiện tại, dưới sự giám sát, đôn đốc của Trực ban cơ quan Tổng cục Hải quan, toàn bộ lô hàng 25 container chứa chất phóng xạ đã bị tái xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Hải quan Nội Bài phát hiện, bắt giữ 21.500 bao thuốc lá điếu ngoại vận chuyển trái phép.

Theo đó, ngày 18/02, tại kho hàng của Công ty cổ phần nhà ga hàng hóa ALS, Tổ Kiểm soát Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài thực hiện Quyết định khám lô hàng vận chuyển trên chuyến bay ngày 31/12/2021 của Hãng hàng không Korea Air từ Hàn quốc đến Nội Bài - Việt Nam.

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài phối hợp với Đội 1- Cục Điều tra Chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan; Đội Kiểm soát Hải quan - Cục Hải quan Hà Nội; Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) - Công an TP. Hà Nội kiểm tra, phát hiện hàng hóa vi phạm là thuốc lá điếu, với số lượng là 34 thùng hiệu ESSE/1 thùng 50 cây/ 1 cây 10 bao và 9 thùng hiệu RAISON Sun Presso/1 thùng 50 cây/ 1 cây 10 bao, tống số là 21.500 bao thuốc lá.

Kết quả ban đầu xác định số thuốc lá trên được vận chuyển trái phép và thuộc Danh mục hàng hóa nhập khẩu có điều kiện. Hiện nay toàn bộ số hàng được niêm phong, tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

- Trong dịp trước, trong và sau Tết nguyên đán liên tiếp bắt giữ nhiều vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới các sản phẩm trang thiết bị y tế trong đó có các kit test nhanh và kit test kháng nguyên virus SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không được phép lưu hành ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Gần đây nhất, ngày 22/02, Chi cục HQCK Chi Ma- Cục Hải quan Lạng Sơn tuần tra, kiểm soát, phát hiện gần mốc biên giới có một lô hàng vô chủ, qua kiểm tra, hàng hóa gồm 1.600 bộ kit test nhanh Covid nhãn hiệu SARS-COV-2 Antigen test Kit xuất xứ Trung Quốc...

(Báo cáo hoạt động nghiệp vụ của Tổng cục Hải quan công bố ngày 22/3/2022)