08:53 12/08/2023

Hải quan TP.HCM nỗ lực giảm thời gian thông quan

Trâm Anh

Cục Hải quan TP.HCM triển khai ba chương trình nổi bật nhằm giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm chi phí, giảm thời gian thông quan và góp phần phát triển hoạt động logistics tại thành phố...

Cục Hải quan TP.HCM là đơn vị hải quan lớn nhất nước với kim ngạch trung bình hàng năm chiếm khoảng 40% và số thu chiếm khoảng 1/3 toàn ngành.
Cục Hải quan TP.HCM là đơn vị hải quan lớn nhất nước với kim ngạch trung bình hàng năm chiếm khoảng 40% và số thu chiếm khoảng 1/3 toàn ngành.

Chia sẻ tại toạ đàm “Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất nhập khẩu” được tổ chức tại TP.HCM, ông Đặng Thái Thiện, Phó trưởng Phòng Giám sát quản lý về hải quan (Cục Hải quan TP.HCM), cho biết Cục Hải quan TP.HCM là đơn vị hải quan lớn nhất nước với kim ngạch trung bình hàng năm chiếm khoảng 40% và số thu chiếm khoảng 1/3 toàn ngành.

Đơn vị vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hải quan ở cảng biển lớn nhất nước là cảng Cát Lát, sân bay quốc tế nhộn nhịp nhất nước là sân bay Tân Sơn Nhất và trung tâm chuyển phát nhanh quốc tế lớn nhất nước. Cục hải quan thành phố cũng là đơn vị hội tụ tất cả các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa cũng như các hình thức vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh (trừ vận chuyển bằng đường sắt quốc tế).

BA CHƯƠNG TRÌNH NỔI BẬT

Tính đến hết tháng 7, Cục Hải quan TP.HCM thu ngân sách đạt hơn 72.635 tỷ đồng, bằng 49,82% chỉ tiêu pháp lệnh (145.800 tỷ đồng). So sánh với cùng kỳ năm 2022, số thu ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm của hải quan TP.HCM giảm 12,32%, tương đương giảm hơn 10.203 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thu ngân sách cả nước nói chung và hải quan TP.HCM nói riêng gặp nhiều thách thức, Cục Hải quan TP.HCM chủ động triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách ở mức cao nhất và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.

Hải quan TP.HCM nỗ lực giảm thời gian thông quan - Ảnh 1

Cụ thể, một là, Cục Hải quan TP.HCM triển khai Đề án “Thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái”.

Theo đó, cục hải quan thành phố cắt giảm thủ tục, ứng dụng công nghệ thông tin để rút ngắn hơn nữa thời gian làm thủ tục, giảm chi phí đi lại cho doanh nghiệp, thông qua đó, nâng cao hiệu quả hoạt động logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu qua cảng Cát Lái, góp phần giảm ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái và giảm ùn tắc giao thông đường bộ xung quanh cảng.

Cùng với đó, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với quá trình thực hiện thủ tục hải quan và giao nhận hàng hóa tại cảng Cát Lái.

Từ đó, "nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp giúp phát triển bền vững qua đó tạo nguồn thu nộp ngân sách ổn định trên địa bàn", Cục Hải quan TP.HCM khẳng định.

Đồng thời, nâng cao thứ bậc về chỉ số hiệu quả logistics LPI (Logistics performance index), chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới của Việt Nam.

Hai là, hệ thống quản trị Hải quan TP.HCM (HCAS).

Để hỗ trợ cho việc triển khai đề án phát triển logistics và chống ùn tắc nói trên, cục hải quan thành phố triển khai HCAS và chương trình hợp tác đối tác hải quan – doanh nghiệp.

Trong hai thập kỷ qua, ngành hải quan có nhiều cải cách mang tính cách mạng như: áp dụng quản lý rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các hoạt động quản lý, điều hành, thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, giữa các hệ thống phần mềm tác nghiệp, cơ sở dữ liệu vẫn chưa có sự kết nối. Sự phân tán các hệ thống thông tin trực tiếp làm chậm tốc độ xử lý công việc của cán bộ, công chức.

"Điều này ảnh hưởng đến công tác tạo thuận lợi thương mại, trong đó, có việc cắt giảm thời gian thông quan đối với các lô hàng phải kiểm tra hồ sơ, hàng hoá và việc kết nối, trao đổi thông tin khai báo của doanh nghiệp trên hệ thống hải quan điện tử", đại diện Cục Hải quan TP.HCM nhìn nhận.

Chính vì vậy, trong năm 2019, cục hải quan thành phố chủ trương xây dựng HCAS trên nền công nghệ tiên tiến nhất nhằm tạo ra bước đột phá về ứng dụng khoa học thông tin trong quản lý để cải tiến và hiện đại hóa tất cả các hoạt động quản lý nội bộ, tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động nghiệp vụ và hỗ trợ doanh nghiệp.

Hệ thống có tính tương tác và mở rộng cao, đặc biệt có khả năng giao tiếp và tương tác với tất cả cơ sở dữ liệu của các đơn vị bên ngoài thông qua cổng giao tiếp điện tử.

Ba là, chương trình hợp tác đối tác hải quan – doanh nghiệp.

Cục hải quan thành phố là một trong những đơn vị tiên phong trong ngành hải quan tổ chức triển khai hoạt động xây dựng và phát triển quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp từ những năm đầu của thập niên 1990. Hoạt động này có tác dụng lan tỏa trong toàn ngành hải quan và sang cả các cơ quan quản lý nhà nước khác tại TP.HCM.

Qua hoạt động đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, cục hải quan thành phố phổ biến, hướng dẫn các quy định pháp luật mới, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa; kịp thời xử lý ngay các vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Ngoài ra, thông qua hoạt động này, cục hải quan thành phố cũng thực hiện được việc tư vấn cộng đồng doanh nghiệp trong việc góp ý xây dựng thể chế phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế để hoàn thiện, cải tiến hoạt động của mình nhằm phục vụ tốt hơn. 

Cục hải quan thành phố đều duy trì các hoạt động đối thoại, tham vấn với các cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố như: Hiệp hội doanh nghiệp Hoa kỳ (Amcham), Hiệp hội doanh nghiệp EU (Eurocham), Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH)...

HÌNH THÀNH TRUNG TÂM LOGISTICS HIỆN ĐẠI, TẠO THUẬN LỢI CHO DOANH NGHIỆP

Xác định nhiệm vụ hoàn thành thu ngân sách những tháng cuối năm rất thách thức nên hải quan thành phố đưa ra nhiều giải pháp và quyết tâm thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023 đạt kết quả cao nhất.  Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được Cục Hải quan TP.HCM thực hiện đó là phát triển logistics và tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Để đạt được mục tiêu này, Cục Hải quan TP.HCM kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương triển khai kế hoạch thực hiện Đề án phát triển logistics thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được phê duyệt, trong đó, chú ý đến hình thành trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng được với tốc độ phát triển cao thương mại điện tử của Việt Nam và thành phố hiện nay và đào tạo nhân sự cho ngành dịch vụ logistics hiện đang rất thiếu.

Bên cạnh đó, "các cơ quan chức năng trung ương và chính quyền thành phố sớm thực hiện Đề án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ để trở thành cảng trung chuyển tầm cỡ khu vực trên thế giới", Cục Hải quan TP.HCM đề xuất.

Cùng với đó, Chính phủ sớm thông qua các văn bản, quy định tại (i) Nghị định điều chỉnh bổ sung Nghị định 08/2015, 59/2018 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm soát hải quan; (ii) Quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; (iii) Quy định thực hiện kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh hàng hóa, người và phương tiện vận tải; (iv) Quy định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử.

Cục Hải quan TP.HCM cũng đề xuất Tổng cục Hải quan sớm triển khai kế hoạch số hóa thủ tục hải quan. Trước mắt, cần phải nâng cấp hệ thống, hoàn thiện các chương trình hiện có để đảm bảo yêu cầu quản lý tuân thủ và tạo thuận lợi thương mại.

Bên cạnh đó, "cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics cũng cần nâng cao năng lực, tuân thủ luật pháp và hợp tác chặt chẽ với cơ quan hải quan trong thủ tục hải quan để tiếp tục rút ngắn thời gian thông quan và tiết giảm chi phí", Cục Hải quan TP.HCM lưu ý.

Cục hải quan thành phố sẽ tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ công chức; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản trị, điều hành; tập trung nguồn lực để hỗ trợ doanh nghiệp, tạo thuận lợi thương mại.