Hai thành phố của Thanh Hóa tăng tốc phát triển kinh tế
Mặc dù trong bối cảnh hiện nay với rất nhiều khó khăn, nhưng tình hình phát triển kinh tế hai thành phố của tỉnh Thanh Hóa là Thanh Hóa và Sầm Sơn vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực...
Với diện tích tự nhiên hơn 146 km2 cùng dân số trên 400 nghìn người, thành phố Thanh Hóa là một trong những đô thị có quy mô dân số và diện tích lớn nhất của khu vực phía Bắc.
Tính riêng tháng 7/2023, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề duy trì đà tăng trưởng khá; một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng khá so với cùng kỳ như: Tôm đông lạnh tăng 12,7% so với cùng kỳ; quần áo may sẵn tăng 11,6% so với cùng kỳ; giầy thể thao xuất khẩu tăng 11,9% so với cùng kỳ...
Dịch vụ du lịch của thành phố Thanh Hóa tiếp tục mức tăng trưởng, trong tháng số lượt khách du lịch đến thành phố ước đạt 395.000 lượt khách, tăng 11% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng đầu năm ước đạt gần 2 triệu lượt khách (trong đó khách lưu trú ước đạt 1.196.000 lượt), tổng doanh thu ước đạt 2.700 tỷ đồng.
Dịch vụ vận tải đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của nhân dân, trong tháng khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 3.076 nghìn tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ; vận chuyển hành khách ước đạt 2.233 ngàn người, tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 7 của thành phố Thanh Hóa ước đạt hơn 182 tỷ đồng, trong đó thu tiền sử dụng đất ước đạt hơn 30 tỷ đồng; tính chung 7 tháng ước đạt 1.562 tỷ đồng, bằng 60,2% dự toán. Trong tháng, có 101 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới đến nay là 651 doanh nghiệp, đạt 43% kế hoạch; tổng số doanh nghiệp đang hoạt động là 8.672 doanh nghiệp, đạt 98,55% kế hoạch…
Cùng với Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn cũng đang đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế.
Tính chung 7 tháng năm 2023, thành phố này đón 6,82 triệu lượt khách du lịch, tăng 16% so với cùng kỳ, bằng 94% kế hoạch; đạt 12,85 triệu ngày khách, tăng 07% so với cùng kỳ, đạt 73% kế hoạch; tổng doanh thu ước đạt 12.063 tỷ đồng, giảm 02% so với cùng kỳ, bằng 77% kế hoạch.
Hiện nay, thành phố Sầm Sơn có 710 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước đạt 3.701 tỷ đồng, tăng 03% so với cùng kỳ năm 2022; tính chung 7 tháng ước đạt 16.618 tỷ đồng, tăng 07% so với cùng kỳ, bằng 75% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng qua ước đạt 767 tỷ đồng, bằng 101% dự toán, trong đó: thu từ thuế, phí ước đạt 91 tỷ đồng, bằng 50% dự toán; thu tiền sử dụng đất ước đạt 660 tỷ đồng, bằng 119% dự toán; thu khác đạt 16 tỷ đồng. Chi ngân sách địa phương 7 tháng ước đạt 638 tỷ đồng, bằng 84% dự toán. Từ đầu năm 2023 đến nay, đã thành lập mới 68 doanh nghiệp, bằng 49% kế hoạch.
Công tác giải ngân vốn đầu tư được thành phố Sầm Sơn đẩy mạnh, trong 7 tháng năm 2023, tổng số vốn ngân sách thành phố đã giao từ nguồn thu tiền sử dụng đất 375 tỷ đồng, đã giải ngân 375 tỷ đồng (trong tổng kế hoạch vốn 1.942 tỷ đồng, đạt 19,3%); vốn ngân sách tỉnh, trung ương đã giao 241 tỷ đồng, đã giải ngân 79 tỷ đồng, đạt 32,8% kế hoạch.