09:45 04/06/2007

Hàn Quốc muốn khai thông đường sắt liên Triều

Quốc Trung

Hai miền Triều Tiên từng đạt được một thỏa thuận về việc triển khai tuyến đường sắt liên Triều tháng 7/2005, nhưng chưa được thực hiện

Tuyến đường sắt liên Triều sẽ được nối lại theo từng giai đoạn.
Tuyến đường sắt liên Triều sẽ được nối lại theo từng giai đoạn.
Hội nghị cấp bộ trưởng liên Triều lần thứ 21 vừa diễn ra từ 29/5 đến 1/6 tại Seoul (Hàn Quốc).

Hai bên đã tập trung thảo luận, bàn giải pháp thúc đẩy hợp tác kinh tế như: nối lại tuyến đường sắt liên Triều theo từng giai đoạn; phát triển khu công nghiệp Gaesung. Phía Hàn Quốc còn kiến nghị hai bên tiến hành hội đàm cấp Chính phủ xung quanh vấn đề "Cộng đồng kinh tế Hàn Quốc - Triều Tiên".

Hội nghị cấp bộ trưởng là cơ chế cao nhất trong hàng loạt các cuộc hội đàm giữa Hàn Quốc - Triều Tiên. Đoàn đại biểu Hàn Quốc dự hội nghị này do Bộ trưởng Thống nhất Lee Jae-joung dẫn đầu; Ủy viên nội các cao cấp Kwon Ho-ung dẫn đầu đoàn đại biểu Bắc Triều Tiên.

Triều Tiên mong muốn được viện trợ gạo

Tại hội nghị lần này, hai bên đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, sau khi Hàn Quốc từ chối chuyển 400.000 tấn gạo viện trợ cho Triều Tiên như đã cam kết (vào cuối tháng 5) vì lý do Bình Nhưỡng vẫn chưa đóng cửa lò phản ứng hạt nhân Yongbyon và cho phép các thanh sát viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trở lại nước này.

Một quan chức cấp cao của Bộ Thống nhất cho biết: “Chúng tôi khẳng định rằng đây là số gạo cho CHDCND Triều Tiên vay. Chuyến hàng này sẽ được vận chuyển sang CHDCND Triều Tiên. Nhưng chuyến hàng đang bị hoãn lại vì nhiều lý do khác nhau. Như đã nói, chúng tôi phải chờ và cân nhắc xem thỏa thuận ngày 13/2 có được thực hiện hay không”.

Hàn Quốc dự tính bắt đầu chuyển 400.000 tấn gạo sang cho CHDCND Triều Tiên vào cuối tháng này dưới hình thức cho vay và phải trả nợ sau 30 năm và được gia hạn 10 năm. Trong khi đó, phía Bình Nhưỡng đã bày tỏ mong muốn nhận được gạo viện trợ ngay, đồng thời kêu gọi Hàn Quốc chấm dứt các cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ.

Tại hội nghị, hai bên đã thảo luận một số vấn đề như thành lập cơ chế hoà bình trên bán đảo Triều Tiên và hợp tác kinh tế giữa hai miền. Đại diện của hai nước tiến hành các cuộc tiếp xúc, trong đó có cuộc thảo luận giữa hai trưởng đoàn.

Trước đó, trong cuộc họp toàn thể hôm 30/5, Bộ trưởng Thống nhất, Trưởng đoàn Hàn Quốc Lee Jae-joung đã đưa ra kiến nghị hai bên tiến hành hội đàm cấp Chính phủ chung quanh vấn đề "Cộng đồng kinh tế Hàn Quốc - Triều Tiên", tiến hành hội đàm cấp Bộ trưởng Quốc phòng hai nước, khai thông tuyến đường sắt liên Triều và tiến hành hợp tác nhân đạo.

Trưởng đoàn Triều Tiên, đồng thời là Cố vấn trưởng nội các Triều Tiên Kwon Ho-ung cho rằng trọng tâm của đàm phán lần này phải tập trung tìm cách giải quyết các vấn đề mang tính nguyên tắc đã đạt được nhất trí từ các vòng đàm phán trước, chứ không phải là tiếp tục thảo luận các hiệp định mới. Hai bên cần áp dụng "biện pháp mang tính quyết định" để ngăn chặn phát sinh hàng loạt hành động có thể kích động đối phương và đe doạ tới quan hệ giữa hai nước. Tại hội nghị, Seoul đã đề nghị Bắc Triều Tiên sớm giải quyết vấn đề tù binh, công dân bị bắt cóc và xây dựng trung tâm đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán.

Khai thông các tuyến đường sắt liên Triều

Ngày 30/5, Hàn Quốc đề nghị CHDCND Triều Tiên chính thức mở lại tuyến đường sắt liên Triều. Hai miền Triều Tiên từng đạt được một thỏa thuận về việc triển khai tuyến đường sắt liên Triều tháng 7/2005, nhưng chưa được thực hiện vì CHDCND Triều Tiên đột ngột hoãn chạy thử đường sắt xuyên biên giới hồi tháng 5/2006.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee Jae-joung đề nghị Triều Tiên thực hiện thỏa thuận tại vòng đàm phán 6 bên ngày 13/2, sớm tổ chức tiếp các cuộc đàm phán cấp Bộ trưởng Quốc phòng nhằm giảm căng thẳng. Ngày 13/2, CHDCND Triều Tiên nhất trí đóng cửa, thậm chí dỡ bỏ các cơ sở hạt nhân để đổi lấy viện trợ 50.000 tấn dầu nhiên liệu. Nhưng sau đó, CHDCND Triều Tiên đã không thực hiện đúng cam kết. Lần đầu tiên, Seoul cũng đưa ra đề nghị hai bên hợp tác xây dựng lộ trình thực hiện cơ chế hòa bình và hợp tác kinh tế trên bán đảo Triều Tiên.

Trưởng đoàn Triều Tiên khẳng định "Hợp tác liên Triều là nền tảng trong kỷ nguyên sau đàm phán cấp cao liên Triều tháng 6/2000 ở Bình Nhưỡng". Ông cũng nhấn mạnh không phải Triều Tiên mà chính là Mỹ đã trì hoãn thực hiện thỏa thuận ngày 13/2 về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Cho đến nay, việc hợp tác liên Triều vẫn tùy thuộc vào quyết định của hai bên trong các cuộc đàm phán riêng rẽ, không tuân theo lộ trình cụ thể và thường phụ thuộc vào bối cảnh của vấn đề hạt nhân và tên lửa.