Hàn Quốc, Triều Tiên nhất trí diễu hành chung ở Thế vận hội mùa đông
Ngoài diễu hành chung, hai nước sẽ thành lập chung một đội tuyển nữ môn khúc côn cầu trên băng
Các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng nhau diễu hành dưới một lá cờ chung tại Thế vận hội mùa đông diễn ra ở Pyeongchang, Hàn Quốc vào tháng tới.
Hãng tin Reuters cho biết, thông tin trên được Chính phủ Hàn Quốc công bố ngày 17/1, sau một vòng đàm phán mới giữa hai nước và trong bối cảnh mối quan hệ hai miền bán đảo Triều Tiên ấm lên. Ngoài diễu hành chung, hai nước sẽ thành lập chung một đội tuyển nữ môn khúc côn cầu trên băng.
Cuộc đàm phán Hàn-Triều đã diễn ra từ tuần trước, đánh dấu lần đầu tiên trong hơn 2 năm các quan chức cấp cao hai bên đối thoại trực tiếp. Nội dung của cuộc đàm phán là về việc Triều Tiên dự Thế vận hội mùa đông. Đây được xem là một cơ hội quý giá để giảm căng thẳng sau nhiều tháng Bình Nhưỡng liên tục thử vũ khí, dù Mỹ và các đồng minh vẫn giữ thái độ thận trọng với chính quyền Kim Jong Un.
Dù vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên đã từng diễu hành chung tại một số sự kiện thể thao quốc tế, lần này sẽ là lần đầu tiên hai nước có một đội tuyển thi đấu chung.
Theo thỏa thuận đạt được, Triều Tiên sẽ cử một đoàn gồm hơn 400 người tới Hàn Quốc, gồm 230 thành viên đội cổ động, 140 nghệ sỹ biểu diễn, 30 vận viên Teakwondo biểu diễn. Số vận động viên mà Triều Tiên cử sẽ được quyết định sau khi bàn bạc với Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) trong tuần này.
Một tuyên bố chung Hàn-Triều cho biết đoàn Triều Tiên sẽ bắt đầu đặt chân tới Hàn Quốc vào ngày 25/1.
Trong một cuộc họp về Triều Tiên tại Vancouver, Canada vào hôm thứ Ba tuần này, gần 20 nước tham dự đã nhất trí sẽ xem xét tăng cường trừng phạt để gây sức ép buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Triều Tiên rằng hành động quân sự sẽ xảy ra nếu Bình Nhưỡng không chọn đối thoại.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói thế giới không nên "ngây thơ" trước việc Triều Tiên tham dự Olympic bởi đây có thể chỉ là một chiêu đánh lạc hướng của nước này. "Đây chưa phải là lúc giảm sức ép hay khen ngợi Triều Tiên", ông Kono nói. "Việc Triều Tiên đối thoại có thể bị hiểu lầm là bằng chứng cho thấy lệnh trừng phạt phát huy tác dụng".
Trước đó, ngày 17/1, truyền thông nhà nước Triều Tiên cảnh báo rằng Mỹ đang "can thiệp" vào vấn đề liên Triều giữa lúc Washington cần "chú ý đến số phận của chính mình bởi đang đi theo con đường tự hủy diệt".