10:10 31/03/2025

Hàn, Trung, Nhật đối thoại cấp cao để ứng phó thuế quan Trump

Trang Linh

Ba bên đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán FTA giữa ba quốc gia nhằm hiện thực hóa một FTA "tự do, công bằng, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi"...

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto (trái), Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun (giữa) và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao trong cuộc họp ba bên tại Seoul ngày 30/3 - Ảnh: Japan Times
Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yoji Muto (trái), Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun (giữa) và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Wentao trong cuộc họp ba bên tại Seoul ngày 30/3 - Ảnh: Japan Times

Bộ trưởng Thương mại của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản vừa có cuộc gặp đầu tiên kể từ năm 2020 để đối thoại về vấn đề kinh tế và thúc đẩy thương mại khu vực trong bối cảnh cả ba quốc gia đều đang đối mặt thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Theo tuyên bố chung sau cuộc gặp, Bộ trưởng Thương mại của ba nước, gồm các ông Ahn Duk-geun của Hàn Quốc, Wang Wentao của Trung Quốc và Yoji Muto của Nhật Bản, đã “thống nhất hợp tác chặt chẽ để triển khai các cuộc đàm phán cấp cao và toàn diện về thỏa thuận thương mại tự do Hàn-Nhật-Trung, nhằm thúc đẩy thương mại khu vực cũng như toàn cầu.

“Chúng ta cần thúc đẩy mạnh mẽ việc triển khai Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà cả ba nước đều là thành viên. Chúng ta cũng cần tạo ra một khuôn khổ để mở rộng hợp tác thương mại giữa ba quốc gia thông qua đàm phán về một thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) giữa Hàn-Trung-Nhật”, Bộ trưởng Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Ahn Duk-geun, cho biết trong tuyên bố chung sau cuộc gặp ngày 30/3 tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Theo ông Ahn, ba quốc gia đã nhất trí tạo ra một môi trường thương mại và đầu tư đáng tin cậy và cùng nhau ứng phó với những thách thức toàn cầu.

"Môi trường kinh tế và thương mại hiện nay nổi cộm với sự phân mảnh ngày càng lớn của nền kinh tế toàn cầu”, ông Ahn cho biết trong tuyên bố chung.

Tuyên bố chung cho biết ba bên đã nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán FTA giữa ba quốc gia nhằm hiện thực hóa một FTA "tự do, công bằng, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi". Một số lĩnh vực ba nước cam kết tăng cường hợp tác bao gồm chuỗi cung ứng ổn định, kinh tế số, hợp tác doanh nghiệp và công nghệ cấp địa phương và triển khai hiệu quả RCEP.

Hiện cả ba nước đều tham gia RCEP, một khuôn khổ thương mại giữa 15 quốc gia nhằm giảm rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau và có hiệu lực từ năm 2022.

Cuộc gặp giữa ba bộ trưởng diễn ra ngay trước thời điểm 2/4 mà ông Trump sẽ công bố cơ chế thuế quan đối ứng với tất cả đối tác thương mại của Mỹ. Hiện tại, toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ hiện đã bị áp thuế quan bổ sung 20%. Tuần trước, ông Trump thông báo sẽ áp thuế quan 25% với toàn bộ ô tô và phụ tùng ô tô nhập khẩu vào Mỹ từ ngày 4/3. Động thái này được đánh giá sẽ tác động lớn tới nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất ô tô châu Á xuất khẩu nhiều nhất vào Mỹ.

Hàn Quốc và Nhật Bản hiện là nước xuất khẩu ô tô vào Mỹ lớn thứ hai và thứ ba, chỉ sau Mexico - theo dữ liệu từ công ty S&P.

Seoul, Bắc Kinh và Tokyo hiện đều là ba đối tác thương mại lớn của Mỹ dù cả ba vẫn còn bất đồng trong một số vấn đề. Đàm phán FTA giữa ba quốc gia chưa có nhiều tiến triển đáng kể từ khi bắt đầu vào năm 2012. Sau cuộc gặp ngày 30/3, bộ trưởng thương mại ba nước nhất trí tổ chức cuộc họp tiếp theo tại Nhật Bản nhưng chưa định thời gian.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump đang khiến Hàn, Trung và Nhật xích lại gần nhau. Tuần trước nữa, Bộ trưởng Ngoại giao ba nước cũng có cuộc gặp đầu tiên trong vòng 2 năm để thảo luận về việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ba nền kinh tế.

Cả Hàn Quốc và Nhật Bản hiện nhận được hỗ trợ về an ninh của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump thời gian qua nhiều lần phàn nàn về chi phí liên quan tới hoạt động quân sự của Mỹ tại hai quốc gia này. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh liên minh Mỹ - Hàn - Nhật có dấu hiệu rạn nứt, Trung Quốc có thể “ngư ông đắc lợi”. Bắc Kinh đang tìm cách xích lại gần Seoul và Tokyo thông qua một cơ chế ba bên không có Mỹ. Bên cạnh đó, việc Mỹ và Nga xích gần nhau trong vấn đề liên quan tới chiến tranh ở Ukraine cũng đang thúc đẩy Bắc Kinh tìm cách thân thiết hơn với hai nước láng giềng.