Hãng bán lẻ từng lớn nhất thế giới “sắp đệ đơn xin phá sản”
Hãng bán lẻ Sears của Mỹ chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản sau nhiều năm doanh thu sa sút liên tục
Sears Holdings Corp. đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 luật phá sản Mỹ, sau nhiều năm doanh thu sa sút liên tục - nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters ngày 10/10. Thông tin này làm dấy lên những câu hỏi về khả năng tiếp tục tồn tại của hãng bán lẻ từng có thời lớn nhất thế giới.
Việc Sears nộp đơn xin phá sản sẽ chấm dứt cuộc đối đầu giữa Giám đốc điều hành (CEO) Eddi Lampert - cổ đông lớn nhất kiêm chủ nợ lớn nhất của hãng - và một ủy ban đặc biệt mà Sears thành lập để cân nhắc một kế hoạch giải cứu công ty mà ông Lampert đưa ra bao gồm bán tài sản và tái cơ cấu nợ.
Ủy ban này đã phản đối kế hoạch của ông Lampert do lo ngại các chủ nợ và cổ đông khác sẽ đâm đơn kiện vì kế hoạch chú trọng quá nhiều đến các lợi ích của ông Lampert.
Nguồn tin nói, ông Lampert và ủy ban đặc biệt giờ đây thống nhất rằng chỉ một quy trình với sự giám sát của tòa án mới có thể quyết định tương lai của công ty. Cũng theo nguồn tin, đơn xin phá sản sẽ được Sears nộp lên tòa án sau vài ngày nữa. Một khoản nợ 134 triệu USD đáo hạn vào ngày thứ Hai tuần tới đã gia tăng áp lực buộc ông Lampert và ủy ban phải nhanh chóng tìm ra giải pháp.
Vào thời hoàng kim hồi thập niên 1960, Sears bán đủ loại mặt hàng từ đồ chơi, phụ tùng ô tô, tới đồ gia dụng đặt hàng qua thư. Khi đó, hãng là nhà thuê mặt bằng chủ yếu tại hầu như mọi trung tâm mua sắm ở Mỹ.
Trong những năm gần đây, Sears ngày càng kinh doanh sa sút do sự cạnh tranh mạnh mẽ của các công ty bán lẻ trực tuyến như Amazon.com, và cả các nhà bán lẻ truyền thống như Walmart.
Hiện chưa rõ, Sears có "sống sót" được sau quy trình phá sản. Khi nộp đơn xin phá sản vào tháng 9 năm ngoái, hãng bán lẻ đồ chơi lớn nhất thế giới Toys ‘R’ Us đã tìm cách duy trì hoạt động sau khi tái cơ cấu nợ và đóng bớt cửa hiệu. Tuy nhiên, vào tháng 3 năm nay, Toys ‘R’ Us đã phải thanh lý tài sản và dừng hoạt động, sau khi các chủ nợ từ chối cung cấp thêm khoản vay.
Giá cổ phiếu Sears giảm 31%, còn 40,5 cent/cổ phiếu, trong phiên giao dịch ngày thứ Tư tại New York, khiến giá trị vốn hóa thị trường của công ty chỉ còn vỏn vẹn 40 triệu USD. Cổ phiếu Sears đã giảm từ mức trên 100 USD/cổ phiếu cách đây 1 thập niên, xuống còn dưới 1 USD/cổ phiếu trong 1 năm qua. Tính đến tháng 9 vừa rồi, Sears nợ tổng cộng 5,6 tỷ USD.
Công ty bán lẻ có trụ sở ở Hoffman Estates, Illinois này đã có 7 năm thua lỗ liên tiếp và doanh thu không hề tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Tháng trước, Sears cảnh báo có thể phải dừng hoạt động nếu kế hoạch mà CEO Lampert đưa ra không được thông qua.
Ông Lampert mua lại Sears vào năm 2005 với giá 11 tỷ USD và sáp nhập Sears vào công ty bán lẻ giá rẻ Kmart của ông.