Hàng Dolce & Gabbana "biến mất" khỏi các trang thương mại điện tử Trung Quốc
Làn sóng tẩy chay được dự báo sẽ đẩy Dolce & Gabbana vào khó khăn thực sự trong 6 -12 tháng tới
Ngày 22/11, hàng hóa của Dolce & Gabbana (D&G) đồng loạt bị rút khỏi các trang thương mại điện tử Trung Quốc khi làn sóng tẩy chay lan rộng, theo CNBC.
Tìm kiếm theo từ khóa Dolce & Gabbana không cho kết quả nào trên các trang thương mại điện tử lớn như Tmall của Alibaba hay JD.com.
Một cửa hàng miễn thuế tại sân bay Haikou Meilan trên đảo Hải Nam của Trung Quốc cũng cho biết đã hạ tất cả sản phẩm của D&G khỏi kệ hàng của mình. "Dù sức mạnh có hạn, chúng tôi vẫn phải thể hiện quan điểm của mình. Chúng tôi tự hào là người Trung Quốc".
Động thái trên của các hãng bán lẻ diễn ra một ngày sau khi ảnh chụp màn hình cho thấy những tin nhắn Instagram với lời lẽ thô tục nói về Trung Quốc cùng quan điểm bảo vệ các video quảng cáo bị cho là "phân biệt chủng tộc" trước đó của đồng sáng lập D&G Stefano Gabbana được lan truyền. Bên cạnh đó, trong một trao đổi khác, tài khoản Instagram Dolce & Gabbana cũng được cho là sử dụng ngôn ngữ xúc phạm nói về Trung Quốc.
Thương hiệu thời trang Italy đã lên tiếng xin lỗi và khẳng định cả hai tài khoản này đều bị tấn công. "Chúng tôi không có gì ngoài sự tôn trọng dành cho Trung Quốc và người Trung Quốc", D&G viết.
Tuy nhiên, lời xin lỗi muộn màng không thể cứu vãn được sự kiện thời trang lớn tại Thượng Hải mà D&G gọi là một trong những show thời trang lớn nhất ngoài Italy của mình. Nhiều người nổi tiếng cũng rút khỏi sự kiện dự kiến diễn vào đêm 21/11. D&G cuối cùng quyết định hủy sự kiện này.
"Đây là một đòn giáng mạnh đối với Dolce & Gabbana", nhà phân tích Shaun Rein - người sáng lập, giám đốc điều hành của China Market Research Group tại Thượng Hải, nhận định "Tôi cho rằng họ sẽ lâm vào khó khăn thực sự trong 6 - 12 tháng tới".
Trước đó, 3 video quảng cáo với hình ảnh một người mẫu Trung Quốc dùng đũa để ăn các món truyền thống của Italy như pizza, mỳ Ý, vấp phải phản ứng dữ dội từ cư dân mạng Trung Quốc. Nhiều người cho rằng những video này mang tính phân biệt chủng tộc và mang đậm những định kiến về Trung Quốc. 3 video sau đó đã được xóa khỏi tài khoản mạng xã hội Weibo của D&G.
Rein cho rằng các công ty phương Tây đã mắc sai lầm lớn khi đưa ra các nội dung sáng tạo nhưng không hiểu về cách tiếp nhận của khách hàng Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc tại Trung Quốc. "Một thương hiệu phương Tây làm bất cứ điều gì có vẻ là đang chế nhạo văn hóa Trung Quốc thì sẽ phải trả giá", ông nói.
Tờ People's Daily của Trung Quốc hôm 21/11 viết trên Weibo: Trung Quốc luôn thân thiện với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng điều đó không có nghĩa là không có giới hạn. Chỉ có thể làm ăn khi có sự tôn trọng".