16:48 05/05/2025

Hàng hóa xuất khẩu chủ lực chịu sức ép lớn từ quy định xanh, thuế carbon, hộ chiếu xanh

Tùng Dương

Các chính sách về môi trường của các thị trường châu Âu, Mỹ… như quy định đánh thuế carbon của Liên minh châu Âu, các quy định về hộ chiếu xanh đối với hàng dệt may, hay các quy định về truy vết carbon với sản phẩm hàng hóa khi vào thị trường các nước châu Á- Thái Bình Dương và thị trường Mỹ là các hàng rào kỹ thuật về môi trường. Các quy định trên ngày càng dày đặc, tạo sức ép lớn lên các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, thép, điện, điện tử…

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vấn đề này được nhấn mạnh trong tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày trước Quốc hội chiều ngày 5/5/2025.

ỨNG PHÓ VỚI CÁC THÁCH THỨC MỚI LIÊN QUAN ĐẾN CHÍNH SÁCH XANH

Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2010 đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, sau 15 năm triển khai thi hành luật, đến nay đã bộc lộ một số bất cập cần phải rà soát để sửa đổi, bổ sung để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động sử dụng năng lượng và ứng phó với các thách thức mới liên quan đến Chính sách Xanh như thuế phát thải carbon (ETS), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), dấu vết cacbon… từ thị trường xuất khẩu khó tính như châu Âu, châu Mỹ. Ngay cả các quốc gia ASEAN như Thái Lan, Malaysia và Singapore cũng đang xây dựng quy định về thuế liên quan đến kiểm soát phát thải.

Trong bối cảnh các thách thức về biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường diễn biến phức tạp và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) có nguy cơ không đạt được đúng hạn vào năm 2030, xu hướng tăng cường kiểm soát phát thải khí nhà kính diễn ra trên toàn cầu đang gia tăng.

Các chính sách về môi trường của các thị trường châu Âu, Mỹ… như quy định đánh thuế carbon của Liên minh châu Âu áp dụng vào năm 2026, các quy định về hộ chiếu xanh đối với hàng dệt may, hay các quy định về truy vết carbon (Carbon Footprint) đối với sản phẩm hàng hóa khi vào thị trường các nước châu Á - Thái Bình Dương và thị trường Mỹ là các hàng rào kỹ thuật về môi trường của các thị trường.

 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.
 Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Theo Bộ trưởng, các quy định trên ngày càng dày đặc, tạo ra sức ép lớn lên các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực của của Việt Nam như dệt may, da giày, nhựa, thép, điện, điện tử chế biến thủy sản… khi tham gia vào các thị trường châu Âu và thị trường Mỹ, Trung Quốc… Các quy định này tác động lên lực lượng lao động trực tiếp của Việt Nam ước khoảng 20/52 triệu lao động trực tiếp (năm 2023) và ảnh hưởng trực tiếp lên GDP của Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực cho chuyển đổi công nghiệp xanh, bền vững, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn năng lượng, tài nguyên tại Việt Nam còn thiếu và yếu không đáp ứng yêu cầu của thị trường, cho thấy doanh nghiệp sản xuất Việt Nam bị thiệt thòi do hiện nay thiếu các cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp trong tuân thủ các quy định xanh, do đó hàng hóa của Việt Nam thiếu tính cạnh tranh khi thâm nhập thị trường quốc tế trong thời gian tới.

Trong khi đó, tại Châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc và các nước trong Asean đều có các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi dây chuyền sản xuất để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về môi trường mới như: Cơ chế khuyến khích thúc đẩy Thỏa thuận tự nguyện được áp dụng rộng rãi tại các nước thuộc liên minh châu Âu, Mỹ, hay cơ chế hỗ trợ công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) của Hàn Quốc hay Thái Lan đã được triển khai mạnh mẽ.

Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Vì vậy, cùng với việc chuyển đổi mạnh mẽ cơ bản nguồn năng lượng hợp lý theo hướng giảm thiểu nguồn năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, tăng mạnh nguồn năng lượng tái tạo, Việt Nam cần phải xem xét sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo hướng tăng cường các quy định, chế tài mang tính bắt buộc thay vì khuyến khích thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

NÂNG CAO TÍNH CẠNH TRANH CỦA CÁC DOANH NGHIỆP TRƯỚC THÁCH THỨC QUY ĐỊNH XANH

Việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hiện hành là hết sức cần thiết. Việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ giúp Việt Nam kịp thời tận dụng, thu hút và huy động được các nguồn lực quốc tế để hỗ trợ, thúc đẩy quá trình đầu tư tiết kiệm năng lượng, chuyển đổi thị trường các sản phẩm tiết kiệm năng lượng.

Bộ trưởng nhấn mạnh, việc ban hành luật này nhằm nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trước thách thức từ quy định xanh của châu Âu như Thuế carbon (ETS), CBAM lên hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu vào thị trường châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản …

Việc sửa đổi bổ sung luật cũng nhằm xây dựng các công cụ tài chính, cơ chế ưu đãi, công cụ hỗ trợ tài chính về thuế, đất đai, lãi vay, cơ chế bảo lãnh vay vốn hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu thông qua cơ chế quỹ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cùng với đó, nâng cao tính thực tiễn, khả thi của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống luật pháp trong các hoạt động sử dụng năng lượng. Chủ động, tích cực thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26).

Tăng cường chuyển đổi công nghệ giảm cường độ năng lượng trong các ngành sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm năng lượng phục vụ mục tiêu sử dụng hợp lý các nguồn năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết Ủy ban thống nhất quan điểm, mục tiêu, phạm vi sửa đổi dự thảo Luật.

Cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa rõ hơn một số nội dung về cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, kinh doanh; rà soát các quy định về đối tượng dán nhãn năng lượng, kế hoạch kiểm tra việc tuân thủ quy định quản lý phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng, cơ chế tài chính thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để bảo đảm tính khả thi.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy.

Đánh giá, rà soát toàn diện các quy định, hướng dẫn, khuyến nghị trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) để đảm bảo tính tương thích.

Về quy định liên quan đến cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu, bổ sung cơ chế cập nhật Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm; bổ sung quy định trách nhiệm xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ sử dụng năng lượng của cơ sở sản xuất.

Cùng với đó, nghiên cứu ban hành bộ chỉ số kỹ thuật theo ngành nghề và tích hợp với chỉ số cường độ năng lượng vào hệ thống chỉ tiêu quốc gia; làm rõ cơ sở quy định các biện pháp quản lý đối với cơ sở kinh doanh kiểm toán năng lượng, việc đáp ứng yêu cầu về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Về quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, vật liệu xây dựng có tác động lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sử dụng năng lượng của công trình; nhiều quốc gia đã có chính sách khuyến khích việc sử dụng vật liệu có hiệu suất năng lượng cao. Để thực hiện chính sách này cần có đủ hệ thống quy chuẩn, có hạ tầng kiểm định và chính sách truyền thông, ưu đãi phù hợp.

Do đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị xem xét, nghiên cứu làm rõ tính khả thi của quy định này; rà soát, bổ sung các đối tượng dán nhãn; rà soát các điều, khoản để chỉnh lý phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện cho việc hợp nhất văn bản.

Về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cơ quan thẩm tra cơ bản thống nhất ý kiến quy định trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW; góp phần thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 và dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, nhất là quy định về thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ.

Liên quan đến Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết quy định về Công ty dịch vụ năng lượng; đây là mô hình kinh doanh mới được sử dụng hiệu quả tại nhiều nước phát triển do tính ưu việt trong việc đầu tư trước thiết bị năng lượng cho người dùng và hoàn trả chi phí thiết bị trong quá trình sử dụng; thúc đẩy thị trường tiết kiệm năng lượng, tạo động lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển bền vững.
Ở Việt Nam, mô hình công ty này chưa phổ biến, thiếu hành lang pháp lý, hoạt động mang tính tự phát, gặp nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nội hàm quản lý đối với hoạt động của mô hình công ty này; có chính sách ưu đãi đầu tư, phát triển và giao Chính phủ quy định cụ thể.