Hàng loạt hợp đồng tỷ USD được ký kết trong chuyến công tác của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc
Trong chuyến thăm, bên cạnh tiếp xúc song phương nguyên thủ các quốc gia, Chủ tịch nước cũng có cuộc gặp với đại diện của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Mỹ và chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD của các tập đoàn này với doanh nghiệp Việt Nam...
Từ ngày 21 đến 24/9, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam đã có chuyến công tác tham dự Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 và thực hiện một số hoạt động song phương tại Mỹ.
Trong chuyến thăm, bên cạnh tiếp xúc song phương nguyên thủ các quốc gia, Chủ tịch nước cũng có cuộc gặp với đại diện của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Mỹ và chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD của các tập đoàn này với doanh nghiệp Việt Nam.
Sáng ngày 21/9 (theo giờ địa phương), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận lựa chọn động cơ GENx và gói bảo dưỡng cho máy bay Boeing 787-9 trị giá khoảng 2 tỷ USD giữa Hãng hàng không Bamboo Airways với GE Aviation, thuộc Tập đoàn General Electric, Mỹ.
Theo thỏa thuận, GE Aviation sẽ giao động cơ GEnx cho Bamboo Airways vào năm 2022, sử dụng cho đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner của hãng hàng không – đội bay chủ lực được dùng để khai thác đường bay thẳng Việt Nam – Mỹ.
Cũng tại sự kiện này, Bamboo Airways đã ký thỏa thuận chọn động cơ LEAP-1A và dịch vụ bảo dưỡng cho toàn bộ 50 máy bay A320 Neo đặt hàng từ Airbus với CFM Internatioal.
Cùng ngày, Hãng hàng không Vietjet (Vietjet Air và Công ty CFM International (liên danh GE & Safran) ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng động cơ tàu bay mới trị giá 260 triệu USD. Theo đó, tổng giá trị hợp tác giữa hai công ty này tăng lên 18,5 tỷ USD, góp cần bằng cán cân thương mại Việt – Mỹ. CFM International hiện là nhà cung cấp động cơ hàng đầu thế giới và là đối tác cung cấp chính cho đội tàu bay của Vietjet.
Cũng trong ngày 21/9, Chủ tịch nước chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn T&T Group và Tập đoàn UPC Renewables (Mỹ) về việc hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, hai tập đoàn sẽ cùng hợp tác đầu tư các dự án điện gió trên bờ và gần bờ, điện mặt trời tại các tỉnh: Ninh Thuận, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bến Tre, Bạc Liêu với tổng công suất ước tính gần 1.500 MW và tổng mức đầu tư khoảng 2,5 tỷ USD.
Ngày 22/9, bên lề phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 76, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Tập đoàn Excelerate Energy (EE), General Electric (GE) và GenX, Blackstone (Asia Group)
Ngay sau đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ và Chủ tịch Amcham đã chứng kiến ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Công ty Cổ phần Chân Mây LNG (CML - Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng) và GE, EE để phát triển dự án Chân Mây LNG (4.800 MW) tại Thừa Thiên Huế.
Trong đó, biên bản ghi nhớ với EE trị giá 800 triệu USD hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG và cơ hội tiềm năng sử dụng FSRU (đơn vị điều chỉnh lưu trữ nổi) của EE.
Còn biên bản ghi nhớ với GE trị giá 2,4 tỷ USD để hợp tác và phát triển dự án Chân Mây LNG cũng như sử dụng tuabin và máy phát điện của GE. Khi đi vào hoạt động, dự án này sẽ cung ứng sản lượng điện trung bình là 24-25 tỷ kWh/năm.
Cũng trong ngày 22/9, trong cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, các nhà lãnh đạo Boeing tiếp tục khẳng định cam kết của hãng với ngành hàng không vũ trụ Việt Nam.
“Nền kinh tế năng động của Việt Nam cùng với sự đầu tư vào lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao sẽ giúp thúc đẩy ngành hàng không vũ trụ của quốc gia trong nhiều năm tới. Boeing cam kết sẽ đồng hành cùng Việt Nam trên suốt chặng đường này”, ông Michael Arthur, Chủ tịch Boeing International, khẳng định.
Sang ngày 23/9, Chủ tịch nước chứng kiến lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Vingroup và Google Cloud (Mỹ) về việc triển khai chiến lược chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh doanh của tập đoàn.
Theo thỏa thuận, Vingroup và Google Cloud sẽ làm việc chặt chẽ để thúc đẩy áp dụng điện toán đám mây trên nền tảng Google Cloud và nghiên cứu tiềm năng ứng dụng các công nghệ dựa trên điện toán đám mây như máy học, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu thông minh trong các lĩnh vực kinh doanh đa dạng của tập đoàn Vingroup.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã gặp gỡ lãnh đạo nhiều tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu khác như Quantum, Macquaire, JP Morgan, Bechtel, McDermontt, Thermo Fisher, Northwestern Medicine…