14:49 29/07/2008

Hàng nội thời lạm phát

Hoa Minh

Cùng với những khó khăn do lạm phát, các doanh nghiệp trong nước còn lo ngại khó giữ chân người tiêu dùng Việt

Trong bối cảnh lạm phát, yếu tố giá cả được người tiêu dùng quan  tâm và thu hẹp về chủng loại hàng hoá trong sự lựa chọn.
Trong bối cảnh lạm phát, yếu tố giá cả được người tiêu dùng quan tâm và thu hẹp về chủng loại hàng hoá trong sự lựa chọn.
Sức ép đang đến không chỉ đối với các nhà phân phối bán lẻ mà cả những nhà sản xuất trong nước khi chỉ còn 5 tháng nữa, thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn theo đúng lộ trình cam kết gia nhập WTO.

Cùng với những khó khăn do lạm phát, các doanh nghiệp trong nước còn lo ngại khó giữ chân người tiêu dùng Việt khi nhiều hàng ngoại xuất hiện và với tâm lý chuộng ngoại của người tiêu dùng Việt. Làm gì để thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt?

Theo ông Nguyễn Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co.op, trong 6 tháng đầu năm 2008 đã xuất hiện xu hướng tiêu dùng mới. Người  tiêu dùng chỉ tập trung chi tiêu cho những sản phẩm thiết yếu phục vụ nhu  cầu tiêu dùng hằng ngày. Những sản phẩm thuộc ngành hóa phẩm, may mặc giảm mạnh.

Nỗi lo vị thế trên sân nhà

Trong bối cảnh lạm phát, yếu tố giá cả được người tiêu dùng quan  tâm và thu hẹp về chủng loại hàng hoá trong sự lựa chọn. Khảo sát cho thấy lượng khách vào CoopMart tăng 10% so với cùng kỳ năm trước vì cho rằng giá ở đây ổn định hơn.

Mùa mua sắm cuối năm là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sản xuất và nhà phân phối bán lẻ. Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh lạm phát, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn. Theo đó là nỗi lo về sự xuất hiện các đại gia phân phối nước ngoài cộng với hàng ngoại tăng mạnh, nhất là hàng từ các nước trong khu vực. Theo ông Phạm Hoàng Hà, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Thái, đây là cuộc chơi không ngang sức, được ví như “võ sĩ hạng ruồi” đấu với “võ sĩ hạng nặng”.

Việt Nam đã gia nhập WTO nên khó bảo hộ và khó kêu gọi ủng hộ hàng Việt. Việc giữ chân người tiêu dùng Việt không phải bây giờ mới đặt ra nhưng nó lại có ý nghĩa trong bối cảnh lạm phát. Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng trong thời lạm phát, nếu người tiêu dùng không ủng hộ hàng Việt, nhà sản xuất trong nước sẽ ngày càng mất dần trên thị trường.

Theo đó, lao động từ các doanh nghiệp sản  xuất mất việc làm và sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế. Để rồi đến khi lạm phát lắng xuống, rất có thể trên thị trường, đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị mai một dần, chỉ còn lại các đại gia nước ngoài.

Vì vậy, “phải thuyết phục người tiêu dùng lựa chọn hàng Việt với cái nhìn xa hơn không đơn giản là sự lựa chọn hàng ngày”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Đã đến lúc các nhà phân phối kể cả các nhà sản xuất thấy cần thiết liên kết, hợp sức tạo sức mạnh “bó đũa” để khẳng định vị thế sân nhà. Tại hội thảo mới đây về việc tìm giải pháp ứng biến trong tình hình lạm phát, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, nhiều doanh nghiệp đã bàn thảo một chương trình hành động “Người Việt - hàng Việt cùng vượt qua thời lạm phát”.

Dự kiến, chương trình sẽ được thực hiện từ tháng 9 đến tháng 12/2008. Mục đích chương trình là tạo ra tinh thần ủng hộ hàng Việt Nam, tạo phong trào “Người Việt - hàng Việt cùng vượt qua khó khăn lạm phát”.

Ủng hộ hàng Việt có điều kiện

Theo các chuyên gia, người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt có điều kiện, với những đòi hỏi nghiêm khắc đối với nhà sản xuất kinh doanh.

Ông Hà cho biết: Nhật Bản trong những giai đoạn khó khăn đã phát động phong trào “Người Nhật dùng hàng Nhật”. Người dân hầu như chỉ sử dụng hàng nội địa để thúc đẩy nền kinh tế trong nước. Tại Nhật Bản, khoảng 10 năm trước hàng nội địa lúc nào cũng hơn hẳn và vượt trội so với hàng xuất khẩu.

Đó  là sự tôn trọng của người tiêu dùng trong nước của người sản xuất. “Còn ở  Việt Nam, hàng ngon, đẹp nhất được xuất khẩu và hàng hạng hai mới bán trong nước. Như thế hàng Việt làm sao cạnh tranh được với hàng ngoại”, ông  Hà tỏ ra bức xúc. Vì vậy, để hàng Việt thu hút người tiêu dùng thì không chỉ  là sự nỗ lực của nhà phân phối mà bản thân các nhà sản xuất phải có những  điều chỉnh về kỹ thuật, công nghệ, mẫu mã...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt, đòi  hỏi nhà sản xuất phải cố gắng nhiều hơn để người tiêu dùng cảm nhận được  sự cố gắng đó. Các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao nhấn mạnh  rằng chương trình sẽ là chiến dịch giữ vững niềm tin hơn nữa của người tiêu  dùng đối với hàng Việt.

Vì vậy, doanh nghiệp tham gia chương trình cam kết  minh bạch với người tiêu dùng với những nỗ lực như giữ vững chất lượng,  nhiều hình thức khuyến mãi, ưu đãi trong tháng bán hàng, nhiều dịch vụ mới, sản phẩm mới, bao bì mới...

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Saigon Co-op Nguyễn Ngọc Hoà cho rằng, trong bối cảnh lạm phát, giá là yếu tố mà người tiêu dùng quan tâm. Còn đại diện các doanh nghiệp ngành dệt may đề xuất các doanh nghiệp có thể liên kết tham gia chương trình tặng coupon giảm giá cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp ngành hàng dệt may có thể tăng cường bán hàng trực tiếp qua các hình thức liên kết.

Ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch Công ty Tân Hiệp Phát đưa ra ý kiến các doanh nghiệp phối hợp bán hàng lẫn nhau tại căng tin các nhà máy sản xuất có số lượng công nhân cao. “Hãy làm thế nào để căng tin ở mỗi  doanh nghiệp là nơi quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao”, ông nói.

Truyền thông được các doanh nghiệp đánh giá là có vai trò quan trọng trong việc tạo dư luận để người tiêu dùng quan tâm sử dụng hàng Việt chất lượng cao. Các doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ cùng nhau tổ chức các chương trình huấn luyện người tiêu dùng lựa chọn khôn ngoan, chương trình quảng bá thương hiệu Việt, thiết kế các chương trình mua sắm chung.

Ông Hoà cho biết: Saigon Co-op đã có chương trình trên truyền hình “Kiến thức tiêu dùng” mỗi tháng chiều chủ nhật, doanh nghiệp có thể phối hợp để giới thiệu về doanh nghiệp, sản phẩm, cung cấp kiến thức tốt hơn cho người tiêu dùng về chế biến, sử dụng, bảo quản...

Doanh nghiệp cũng cho rằng trong chương trình này, Nhà nước có thể đưa ra những động thái tích cực như đẩy mạnh kiểm soát chất lượng, chống đầu cơ, tăng giá, gian lận thương mại...