Hãng tàu đẩy áp lực USD cho khách
Trong mấy ngày qua, nhiều hãng tàu liên tục lấy lý do USD lên giá ở thị trường tự do để đẩy áp lực cho khách hàng của mình
Đồng USD đang tăng giá trị ở thị trường tự do gây ra cơn sốt trong dân chúng và ảnh hưởng đến việc sử dụng ngoại tệ trong thanh toán cho cá nhân và nhiều doanh nghiệp, trong đó có các hãng tàu. Trong mấy ngày qua, nhiều hãng tàu liên tục đẩy áp lực USD cho khách hàng của mình.
Bắt đầu từ ngày 11/6 hãng tàu China Shipping Việt Nam sẽ áp dụng phương thức thanh toán mới đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu là khách hàng của mình. Theo thông báo mà hãng này gửi cho các khách hàng trước đó một ngày, mọi khoản cước phí bao gồm phụ phí cước, phí lưu container, THC, DHC... phải được thanh toán bằng ngoại tệ thay thế cho tiền đồng Việt Nam (VND). Việc thanh toán có thể bằng chuyển khoản hoặc bằng tiền mặt miễn là bằng đôla Mỹ (USD).
Không nhận đồng Việt Nam, chỉ nhận USD?
Đây không phải là hãng tàu duy nhất áp dụng phương thức thanh toán bằng USD mà nhiều hãng trong nhiều ngày qua đã phát đi thông báo yêu cầu các khách hàng phải thanh toán mọi tiền cước bằng USD. Bắt đầu từ 11/6, hãng Jardine Shipping Services đã không tiếp nhận tiền VND thanh toán cho các khoản cước phí của khách hàng.
Trước đó, ngày 5/6, liên doanh MSC Việt Nam đã gửi thông báo đến các doanh nghiệp và yêu cầu áp dụng phương thức thanh toán bằng USD ngay lập tức mà không đưa ra ngoại lệ nào. Hãng này còn cho biết trong thông báo của mình rằng không nhận tiền VND vì tài khoản tiền VND đã tạm thời khoá.
Tiền VND chỉ chấp nhận cho các khoản thu phí THC, lưu bãi, vệ sinh container với điều kiện khách hàng và hãng phải thống nhất tỷ giá chuyển đổi sang USD. Trong thông báo của mình, các hãng giải thích việc thay đổi đồng tiền thanh toán là do biến động của tỷ giá giữa USD và VND.
Các hãng tàu cho rằng việc biến động của tỷ giá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của mình vì vậy các đại lý thu hộ cước phí cho các hãng tàu nước ngoài này phải thu trực tiếp bằng USD.
Một số hãng chấp nhận VND nhưng tính theo tỷ giá thấp nhất trong khi hãng khác thì lại áp dụng phụ phí "mua ngoại tệ". Trong thông báo của mình China Shipping Viet Nam cho biết sẽ tính thêm phụ phí 10% nếu khách hàng thanh toán VND và hãng này gọi đó là phí mua ngoại tệ và dựa trên tỷ giá bán USD của Ngân hàng Ngoại thương.
Không chỉ hãng tàu mà một số hãng hàng không cũng bắt doanh nghiệp khách hàng thanh toán bằng USD theo giá thị trường. TransViet Cargo bắt đầu áp dụng hình thức thanh toán bằng USD từ 5/6. Theo công ty này do tình trạng tỷ giá ngoại tệ trên thị trường biến động nhiều, thêm vào đó ngân hàng áp dụng phụ phí thu xếp nguồn ngoại tệ cùng với việc tính tỷ giá chính thức vì vậy việc mua ngoại tệ thanh toán lại các hãng không nước ngoài gặp nhiều khó khăn.
Theo đó, khách hàng sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không của ít nhất ba hãng hàng không quốc tế bao gồm Emirates, Shanghai Airlines hoặc Shanghai Airlines Cargo và United Airlines phải thanh toán vận đơn trên cơ sở USD. Nếu khách hàng thanh toán bằng VND, khách hàng phải chịu phí thu xếp ngoại tệ do Techcombank đưa ra cộng với tỷ giá mà TransViet áp dụng và công bố hàng ngày.
Chèn ép khách hàng có phải vì độc quyền?
Đại diện của nhiều doanh nghiệp cho biết việc áp dụng hình thức thanh toán bằng USD thay vì VND là điều vô lý và càng làm cho tình hình hiện nay thêm căng thẳng khi mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể mua được ngoại tệ từ ngân hàng hay ngoài thị trường trong thời điểm nóng sốt USD như hiện nay.
Không những thế họ còn cho rằng tự ý yêu cầu thanh toán bằng USD là trái với qui định của luật pháp Việt Nam.
Ông Lê Hồng Quang, đại diện một doanh nghiệp, bức xúc và cho rằng các hãng tàu quá tùy tiện, xem thường khách hàng khi tự ý đưa ra hình thức thanh toán bằng USD. Việc làm này không chỉ sai trái mà còn gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.
Ông giải thích nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thua lỗ do hợp đồng ký dài hạn trước đó nên không được giá trong khi chi phí nguyên liệu đầu vào đang rất cao trên thị trường thế giới. Mua giá cao trong khi giá bán thì thấp, doanh nghiệp đã bị thiệt và giờ phải thanh toán bằng USD, doanh nghiệp phải chịu thiệt thêm lần thứ hai.
Ông Nguyễn Đức Thanh, quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết Vinacas kịch liệt phản đối trước việc thay đổi đồng tiền thanh toán của hãng tàu. Bức xúc hơn ông Thanh cho rằng việc áp dụng tỷ giá của liên doanh MSC hết sức vô lý đối với các khoản thanh toán của khách hàng.
Ông nêu trường hợp của một doanh nghiệp thành viên của Vinacas bị MSC áp dụng tỷ giá 18.000 đồng cho một USD vào ngày 7/6. Tỷ giá này không phải thoả thuận của hai bên mà đơn phương áp dụng của MSC trong khi đó tỷ giá mà ngân hàng nhà nước cùng vào thời điểm chỉ có 16.132 đồng/USD.
Ông Thanh cho biết Vinacas yêu cầu MSC chấm dứt việc áp dụng hình thức thanh toán mới, bắt buộc khách hàng thanh toán bằng USD bất kỳ loại cước phí nào vì ông cho rằng điều đó không chỉ không phù hợp với qui định nhà nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp và đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngoại hối Việt Nam.
Trường hợp khách hàng chi trả bằng VND, ông Thanh cho rằng hãng tàu không được áp dụng tỷ giá chủ quan mà phải là tỷ giá của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm thanh toán.
Không phải hầu hết các hãng tàu đều áp dụng phương thức thanh toán mới. Đại diện của một hãng tàu cho biết không phải tất cả đều áp dụng cách thanh toán bằng USD vì điều đó trái với qui định của luật pháp. Việc làm của hãng tàu sẽ không chỉ gây phản ứng nơi khách hàng mà còn ảnh hưởng chung đến những hãng tàu khác.
Lâu nay, các hãng tàu chèn ép khách hàng khá nhiều vì họ độc quyền trong nhiều thị trường. Nhu cầu vận chuyển hàng hoá cao từ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu khiến cho các hãng quên đi trách nhiệm chăm sóc khách hàng. Ngược lại, nhiều hãng tàu tự đặt ra các chính sách tăng có lợi cho mình như tăng cước phí trước các biến động của thị trường như giá xăng dầu tăng, đồng USD...