09:38 13/10/2022

Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ khởi nghiệp

Hồng Vinh

Chiều 12/10, Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) đã tổ chức tọa đàm “Khởi nghiệp xanh - Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ” và giao lưu các doanh nông trẻ đạt giải cao tại Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo…

Các diễn giả, chuyên gia khởi nghiệp và các doanh nông tại tọa đàm “Khởi nghiệp xanh - Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ” diễn ra chiều 12/10 tại TP.HCM.
Các diễn giả, chuyên gia khởi nghiệp và các doanh nông tại tọa đàm “Khởi nghiệp xanh - Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ” diễn ra chiều 12/10 tại TP.HCM.

Được thành lập năm 2013, Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) sáng lập và vận hành đã trở thành một trong những chương trình uy tín, tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Thông qua cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp - Đổi mới sáng tạo (Khởi nghiệp xanh), đã có gần 1.000 chủ dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trên khắp cả nước ra đời. 

Tại Tọa đàm, bà Vũ Kim Anh, Phụ trách mạng lưới SKC cho biết, trong những năm qua nhiều hoạt động thực tế cho doanh nghiệp và bạn trẻ khởi nghiệp đã được Trung tâm BSA và dự án SKC tổ chức. Ấn tượng nhất là những startup tour đi đến các địa phương, cùng đi là các chuyên gia, doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, những bài học phát triển sản phẩm, phát triển kinh doanh, xây dựng vùng nguyên liệu.

“Từ đây, những “doanh nông” - những người làm ăn kiểu mới, gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa vốn là những sản vật của vùng, miền, rồi nghiên cứu, sáng tạo, cho ra sản phẩm độc đáo. Trong đó, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công, lớn mạnh và đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU…”, bà Kim Anh chia sẻ.

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit - một chuyên gia hỗ trợ các doanh nghiệp trẻ thương mại hóa các sản phẩm cuối cùng của dự án chia sẻ, nhiều dự án còn non, chưa đủ lực ra thị trường, nhưng cần phát hiện từ khi còn là một mầm non mới nhú, để nuôi dưỡng, hỗ trợ kịp thời và mong muốn góp sức ở khâu quan trọng nhất là thương mại hoá các sản phẩm cuối cùng của các dự án.

Với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp, bền bỉ 10 năm qua, SKC đã tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa”. Đến nay, đã có gần 1.170 dự án và ý tưởng tham gia với khoảng 1.598 lượt thành viên tham dự 8 cuộc thi.

Ngoài ra, ngay cả trong thời kỳ Covid-19, SKC cũng vẫn tổ chức các chương trình tư vấn, huấn luyện, hội thảo qua hình thức online cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Đã có gần 391 lớp tập huấn, với khoảng 28.800 lượt thành viên tham dự. SKC còn đào tạo, hướng dẫn các doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện các tiêu chuẩn HACCP, LocalGap, GlobalGap, ISO… để tham gia thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh các chương trình trên, SKC đã tổ chức cho 9.710 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia 20 kỳ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, hơn 270 phiên lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia 10 lượt Hội chợ quốc tế.

10 NĂM QUỸ SAEMAUL XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Cách đây 10 năm (12/10/2012-12/10/2022), Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul (Saemaul Globalization Foundation - SGF) được thành lập với mục đích truyền bá phong trào nông thôn mới Saemaul Undong (Hàn Quốc) trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. chú trọng 3 tinh thần cốt lõi: cần cù, tự lực, hợp tác. 

Kể từ năm 2016, SGF đã mở văn phòng đại diện tại TP.HCM. Đến nay, 14 dự án Saemaul thí điểm đã được triển khai tại tại 14 làng/xã thuộc 8 tỉnh, thành là Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp.

Quỹ SGF đã tài trợ xây dựng dự án Làng nông thôn mới tại Thái Lai- Đà Nẵng.
Quỹ SGF đã tài trợ xây dựng dự án Làng nông thôn mới tại Thái Lai- Đà Nẵng.

Quỹ Saemaul thực hiện các dự án thí điểm theo 4 thành phần: tư vấn nâng cao năng lực quản trị địa phương; đào tạo tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng; cải thiện điều kiện môi trường sống; và gia tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Dựa trên kinh nghiệm của mình, SGF luôn khuyến khích sự cần cù, tự lực và hợp tác, trong đó cư dân địa phương của bất kỳ dự án nào ở Việt Nam, chia sẻ nỗ lực xây dựng những ngôi làng tươi đẹp hơn.

Ông Kwak Busung, Trưởng văn phòng Đại diện Quỹ SGF tại Việt Nam cho biết, ẩn sâu trong nhiều thế hệ người Hàn Quốc là tinh thần cần cù, tự lực và hợp tác. Tinh thần Saemaul cũng sẽ được làm mới trong bối cảnh hiện đại và chia sẻ với những người bạn Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện và hỗ trợ Quỹ Saemaul. Sau hơn 5 năm, tổng số tiền Quỹ đầu tư vào các ngôi làng Saemaul thí điểm đã vượt hơn 10 triệu USD.

Hai năm qua chứng kiến sự chậm trễ do tình hình Covid 19. Quỹ Saemaul sẽ tiếp tục các hoạt động của dự án trong việc xây dựng năng lực quản trị làng, đào tạo, cải thiện điều kiện môi trường sống và tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Quỹ đồng hành cùng chiến lược nông nghiệp thông minh và chuyển đổi số khu vực nông thôn của Việt Nam.

Được biết, từ đầu năm 2022, Quỹ Toàn cầu hoá Saemaul đã chính thức đổi tên mới là Quỹ Saemaul (Saemaul Foundation, viết tắt SF).

 

Sáng 15-16/10/2022, sẽ diễn ra vòng chung kết cuộc thi: “Dự án khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần thứ 8 tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM với 30 dự án tham gia. Các dự án đến từ 20 tỉnh thành như: TP.HCM, Nghệ An, Thanh Hóa, Nam Định…