06:00 02/08/2021

Hành trình mới của bộ máy hành pháp

NGUYỄN QUỐC UY

Con đường còn dài và hành trình mới bắt đầu. Chính phủ rất cần sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm từ phía người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần “nhất hô bá ứng”. Tất cả đồng lòng muôn người như một, thì dẫu khó, vẫn có cơ thành công...

Ngày 28/7/2021, ngày làm việc thứ 9 và cũng là ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chính thức xác nhận tư cách pháp lý của cơ quan hành pháp quốc gia, đặt lên vai Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính trách nhiệm quản lý và điều hành đất nước trong nhiệm kỳ mới, kéo dài từ nay đến đầu năm 2026.

Thuận lợi cơ bản của Chính phủ nhiệm kỳ này là cơ cấu được giữ nguyên như nhiệm kỳ trước, với đa phần nhân sự, từ lãnh đạo đến các thành viên, đều là những người “thạo việc”, do đã kinh qua công tác thực tế trong bộ máy quản lý hành chính cấp Trung ương; người nhiều thì một, thậm chí là hai nhiệm kỳ; người ít cũng vài ba tháng, kể từ khi Chính phủ khóa trước được kiện toàn lại sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Sự chuyển tiếp giữa Chính phủ khóa cũ và Chính phủ khóa mới chỉ đơn thuần là thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định của Hiến pháp để phân định nhiệm kỳ. Nhờ vậy, không có bất kỳ sự ngỡ ngàng hay hẫng hụt nào trong bộ máy, kể cả nhân sự cũng như phương thức vận hành. Đây chính là nền tảng quan trọng để guồng máy hành pháp quốc gia chạy trơn tru và ổn định ngay từ đầu.

Một thuận lợi nữa là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này cũng dựa trên định hướng mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã “bấm nút”, với các chỉ tiêu, giải pháp được cân nhắc, “đo đếm” cẩn trọng, có cơ sở khoa học, cho phù hợp với dự báo tình hình  trong nước và thế giới năm năm tới.

Tuy nhiên, phía trước Chính phủ mới vẫn là cả một chặng đường dài 5 năm với biết bao nhiêu thách thức, khó khăn, mà trước mắt, trở ngại lớn nhất vẫn là “bè lũ” virus SARS-CoV-2, một kẻ thù vô hình, với những biến thể khôn lường, đang “tác oai tác quái” trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cũng là một điểm nóng, với hàng nghìn ca mắc mỗi ngày kể từ 5/7/2021, thậm chí có ngày tới hơn 7.000 ca, mà vẫn chưa phải là đỉnh.

Muốn đạt được mục tiêu kép, trước hết phải vượt qua được trở lực lớn nhất này, chí ít là phải khống chế được dịch bệnh ở các địa phương, nhất là tại Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, như chúng ta đã từng làm được tại Vĩnh Phúc, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Bắc Ninh và Bắc Giang trước đây.

Đặt mục tiêu kiểm soát hoàn toàn dịch Covid-19 trong vòng vài tháng hoặc một năm là “duy ý chí”, thậm chí là “không tưởng”. Tuy nhiên, nếu không khống chế được dịch bệnh, ít nhất ở mức hai con số mỗi ngày đối với các ca lây nhiễm trên phạm vi toàn quốc, thì khó có thể hoàn thành chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được định ra trong kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.

Đó là chưa kể tới tác động hết sức khó lường của dịch bệnh từ bên ngoài mà chúng ta không thể tránh được trong môi trường “Thế giới phẳng”. Sự lo ngại của các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn ở nước ta là một ví dụ. Chỉ số Môi trường kinh doanh (Business Climate Index), thể hiện đánh giá của lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đối với môi trường kinh doanh ở Việt Nam, do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) khảo sát và công bố,  đạt 73,9 điểm phần trăm trong quý 1/2021,  đã tụt xuống  còn 45,8 trong quý 2, do tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ tư (khởi phát ngày 27/4/2021).

Rõ ràng, Chính phủ đang phải giải bài toán khó, khi quyết tâm theo đuổi mục tiêu kép – vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Thực tế cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, cả hệ thống chính trị cùng toàn quân, toàn dân đã vào cuộc, với quyết tâm rất cao,  không tiếc sức người, sức của, theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, nhưng “giặc” vẫn chưa tỏ dấu hiệu “thoái lui”. 

Cuộc chiến chống Covid-19 không thể kết thúc “một sớm một chiều”. Rất có thể, một lần nữa, nhân dân ta lại phải “trường kỳ kháng chiến”,  theo phương thức “vừa sản xuất, vừa chiến đấu” để đạt mục tiêu kép.

Chắc chắn, Chính phủ sẽ có những giải pháp mạnh tay hơn, quyết liệt hơn,  phù hợp với điều kiện thực tế từng lúc, từng nơi, để vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục vụ doanh nghiệp và người dân theo chủ trương kiến tạo để khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, tạo đà đi lên trong giai đoạn đầu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030).

Con đường còn dài và hành trình mới bắt đầu. Chính phủ rất cần sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm từ phía người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần “nhất hô bá ứng”. Tất cả đồng lòng muôn người như một, thì dẫu khó, vẫn có cơ thành công.