Hầu hết lao động đã quay trở lại làm việc, nhu cầu tuyển dụng khởi sắc
Cơ bản lao động trong các doanh nghiệp đã quay trở lại làm việc, riêng một số ngành bị thiếu đơn hàng, tỷ lệ doanh nghiệp mở cửa sản xuất thấp hơn. Nhu cầu tuyển dụng tại một số địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Hà Nội tiếp tục khởi sắc…
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tính đến hết tháng 1/2023, đã có hơn 96% người lao động quay trở lại làm việc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp diễn ra bình thường.
Cùng với việc mở cửa trở lại sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động của một số doanh nghiệp cũng gia tăng. Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội thông tin, sàn việc làm tại Hà Nội đã hoạt động trở lại từ ngày 30/1. Các phiên giao dịch việc làm chuyên đề sẽ tổ chức thường xuyên vào tháng 2, trong đó sẽ có những phiên giao dịch việc làm chuyên đề cho thanh niên.
Theo ghi nhận của đơn vị này, hiện thị trường lao động Hà Nội vẫn duy trì được tính ổn định. Từ nay đến hết quý 1/2023, Trung tâm sẽ tiếp tục tiến hành rà soát, tổng hợp nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động trong hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ đó, tiến hành các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động và tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày.
Từ ngày 27/1 đến hết quý 1/2023, Trung tâm dự kiến tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm, trong đó có 33 phiên giao dịch việc làm hàng ngày và 2 phiên giao dịch việc làm online kết nối các tỉnh, thành phố, 1 phiên giao dịch việc làm chuyên đề và 1 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện.
Gần nhất, để kịp thời hỗ trợ người lao động có nhu cầu việc làm sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hoạt động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Kạn, Lạng Sơn sẽ tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tuyến (online) kết nối 7 tỉnh, thành phố dự kiến vào ngày 9/2 tới đây.
Theo tổng hợp của đơn vị này, phiên giao dịch việc làm online dự kiến sẽ có sự tham gia của 60 đến 80 doanh nghiệp, đa dạng các ngành nghề trên địa bàn Hà Nội và 7 tỉnh trên toàn quốc, thu hút người lao động cung ứng cho các doanh nghiệp. Qua đó cũng tạo điều kiện cho người lao động, đặc biệt là lao động thất nghiệp tiếp cận được thông tin về học nghề, việc làm cũng như cơ hội tuyển dụng phù hợp với khả năng của bản thân.
Tại thị trường lao động lớn khác là TP.HCM, tình hình việc làm và tuyển dụng đầu năm cũng có sự khởi sắc. Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, hiện TP.HCM có hơn 94% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với số lượng lao động trên 96%. Tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, hơn 267.000/281.000 lao động đã quay lại làm việc. Ở khu công nghệ cao, ghi nhận 100% doanh nghiệp hoạt động trở lại với số lượng lao động là 49.000/52.000 người.
Về nhu cầu tuyển dụng lao động sau Tết, khảo sát hơn 500 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, trong quý 1/2023, nhu cầu sử dụng lao động tại TP.HCM là hơn 14.300 lao động, trong đó lĩnh vực may mặc, da giày chiếm tỷ lệ cao.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết, sẽ liên tục tổ chức những các phiên, sàn giao dịch việc làm trực tuyến và trực tiếp. Thời gian tới, thành phố sẽ mở sàn giao dịch việc làm chuyên đề cho bộ đội xuất ngũ, sàn giao dịch kết nối doanh nghiệp TP.HCM với người lao động ở các địa phương khác.
Nhận định về tình hình lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo thời gian tới, tình hình kinh tế - xã tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại. Theo đó tình hình thị trường lao động sẽ tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Để thúc đẩy hoạt động giải quyết việc làm, Bộ sẽ tiếp tục tập trung phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hoá nhằm tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.
Đặc biệt, rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực; tổ chức đào tạo phát triển kỹ năng lao động và cung ứng kịp thời đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt là nhu cầu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.