HBC: Nợ vay cao kỷ lục, quyết mua 10 triệu cổ phiếu quỹ có mạo hiểm?
Số dư vay nợ của HBC hiện lên mức 5.233 tỷ đồng, tăng 892 tỷ đồng; khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng lên mức 5.130 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm
Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) đã công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị thông qua phương án mua cổ phiếu quỹ.
Theo đó, HBC sẽ mua vào 10 triệu cổ phiếu để làm cổ phiếu quỹ, tương ứng 4,33% số cổ phiếu đang lưu hành. Giá mua dự kiến không cao hơn giá trị sổ sách của HBC dựa trên Báo cáo tài chính gần nhất. Ước tính HBC phải chi khoảng 115 -140 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ.
Nguồn thực hiện trích từ lợi nhuận chưa phân phối tính đến ngày 30/06/2019. Thời gian dự kiến mua vào cổ phiếu quỹ trong vòng 30 ngày sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM chấp thuận và công bố thông tin.
Hòa Bình chưa nêu mục đích mua vào 10 triệu cổ phiếu quỹ nói trên. Trước đó, cuối quý 3/2019, một loạt lãnh đạo chủ chốt của HBC đã mua vào khoảng 3 triệu cổ phiếu HBC nhằm mục đích đầu tư.
Tại ngày 30/09/2019, lợi nhuận chưa phân phối của HBC trên báo cáo tài chính hợp nhất đạt gần 662 tỷ đồng.
Hồi tháng 10, HBC đã thông qua chủ trương thực hiện phương án huy động 50 triệu USD (khoảng 1.160 tỷ đồng) trái phiếu chuyển đổi cho mục đích thanh toán nợ ngắn hạn, bổ sung vốn cuối năm và đầu tư vào các dự án nước ngoài. Hoạt động này được giao cho Giám đốc tài chính, ông Trần Quang Đại thương lượng với đối tác và thực hiện các thủ tục.
Ông Trần Quang Đại (Micki Trần) kế nhiệm vị trí CFO Tập đoàn Hòa Bình đời thứ 2 (F2), từ giữa tháng 8/2019. Trước đó vị CFO cũ là ông Phan Ngọc Thạnh có đơn xin từ chức vì lí do sức khỏe. Đây là lần đầu tiên Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bổ nhiệm một CFO mới sau 32 năm hoạt động.
Việc bổ nhiệm ông Trần Quang Đại là thế hệ 8x đời đầu, được đào tạo bài bản về tài chính và quản trị tại Mỹ vào vị trí CFO, từng được kỳ vọng sẽ giúp HBC giải quyết được những trục trặc trong cấu trúc tài chính.
Song, bước đầu báo cáo tài chính quý 3/2019 cho thấy, số dư vay nợ ngắn và dài hạn của HBC hiện cao kỷ lục, lên mức 5.233 tỷ đồng, tăng 892 tỷ đồng so với hồi đầu năm; khoản phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng lên mức 5.130 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Với bối cảnh tài chính nói trên và nguy cơ căng thẳng dòng tiền dịp cuối năm và Tết Nguyên đán thì quyết định mua 10 triệu cổ phiếu trong giai đoạn này liệu HBC có quá mạo hiểm không?
Chốt phiên giao dịch ngày 29/11/2019, giá cổ phiếu HBC đóng cửa tại mức 11.300 đồng/cổ phiếu, là mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Giá trị sổ sách của HBC hiện khoảng 14.790 đồng/cổ phiếu.