Hè này, du lịch châu Âu “nóng bỏng” theo đúng nghĩa đen
Bước sang tháng 7, nhiệt độ tại nhiều quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục chạm các mốc cao kỷ lục, nắng nóng và cháy rừng đang hoành hành nhiều nơi. Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu có thể sẽ làm thay đổi bản đồ du lịch châu Âu…
Cuộc khủng hoảng khí hậu mà cả thế giới lo ngại sẽ xảy ra sau 10 - 15 năm nữa thực tế đã bắt đầu xuất hiện ở một số nơi trên thế giới. Các chuyên gia cho biết ngày càng nhiều du khách buộc phải quan tâm đến nhiệt độ nắng nóng của các quốc gia châu Âu để đưa ra quyết định cho kỳ nghỉ. Nắng nóng cũng làm ảnh hưởng đến ngành du lịch Nam Âu - khu vực có nhiều quốc gia dựa vào du lịch để thúc đẩy nền kinh tế.
Một khảo sát đã được thực hiện bởi hãng tin Bloomberg với các chuyên gia khí tượng, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Italy - các quốc gia sẽ trải qua thời tiết nóng nhất trong tháng 7. Theo đó, Đức, Pháp và Anh ở mức nhiệt độ dưới trung bình nhưng có thể tăng cao hơn vào cuối tháng, khi lượng mưa được dự báo sẽ giảm.
Cháy rừng đã bùng phát trên khắp Hy Lạp vào tháng 6 khi nhiệt độ tăng vượt quá 40°C và cac khu vực từ các hòn đảo nổi tiếng Santorini và Mykonos đến thủ đô Athens có nguy cơ cao xảy ra thêm nhiều vụ cháy rừng trong tuần tới. Trong khi đó, Anh và Pháp sẽ có lượng mưa dưới mức trung bình trong tháng 7.
Stefanos Sidiropoulos, CEO một trong những công ty du lịch lớn nhất Hy Lạp, cho biết du khách cần thời gian thích nghi với nhiệt độ nắng nóng ở châu Âu thay vì lập tức tham gia vào các hoạt động ngoài trời. Công ty của Sidiropoulos đang cung cấp một số hoạt động để du khách trải nghiệm vào thời điểm nhiệt độ xuống thấp hơn như bình minh, hoàng hôn và buổi đêm. Tại Hy Lạp, du lịch đóng góp gần 41 tỷ USD, chiếm gần 20% nền kinh tế đất nước, theo Hội đồng Du lịch & Lữ hành Thế giới.
Theo Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC), sau đợt nắng nóng hè 2023 ở châu Âu, mức độ quan tâm đến các điểm nghỉ dưỡng phía nam Địa Trung Hải giảm sút và du khách quan tâm nhiều hơn đến các địa điểm ít nóng như CH Czech, Bulgaria, Đan Mạch. Eduardo Santander, CEO của ETC, cho biết du khách ngày càng nhận thức được các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cũng như tác động tới các kỳ nghỉ. Tương lai du khách sẽ ghé thăm Nam Âu vào mùa xuân và thu thay vì những tháng hè nóng bức.
Theo CNN, trong bối cảnh đó, thậm chí một số điểm đến nổi tiếng của châu Âu thông báo tăng thu phí du khách. Giá phòng khách sạn cũng tăng mạnh. Và đồng USD ghi nhận trượt giá so với cả bảng Anh hay đồng euro. Graham Carter, Giám đốc của Unforgettable Travel - một công ty điều hành tour du lịch, cũng cho biết du khách năm nay đang chi tiêu quá đắt đỏ ở châu Âu.
Theo ông Carter, khách du lịch từ Mỹ đến châu Âu đã gặp bất lợi đáng kể do đồng USD suy yếu. Trong khi lạm phát tăng lên và phí vào cửa tham quan cũng tăng đáng kể. Giá vé tham quan tháp Eiffel dành cho người lớn đã tăng thêm 20% vào tháng 6 năm nay. Vé tham quan nhà thờ Hồi giáo Hagia Sophia ở Istanbul đã thu phí vào cửa 25 euro. Và thành phố Venice áp dụng thu phí khách đi trong ngày với 5 euro vào những ngày cao điểm.
Tuy nhiên, phí vào cửa vẫn rẻ hơn so với hóa đơn khách sạn. Ông Tim Hentschel, Giám đốc điều hành của HotelPlanner.com, cho rằng xu hướng giá khách sạn tăng "khá ngoạn mục" ở các thành phố lớn. "Rất nhiều khách sạn đã tăng lên tới 500 USD một đêm so với mức chỉ khoảng 300 USD/ đêm vào năm ngoái", ông Tim Hentsche nói. Trước tình trạng này, khách hàng của ông Hentschel đã được khuyên tránh đi du lịch vào tháng 7 và tháng 8 vì sự đông đúc và nắng nóng. Du khách vì thế đã chọn du lịch châu Âu vào tháng 5, tháng 6 và tháng 9 nhiều hơn.
Trong khi đó, đại diện công ty Unforgettable Travel Graham cũng dành lời khuyên cho khách du lịch thử đến một đất nước hoàn toàn khác là Slovenia thay vì Ý, Croatia thay vì những hòn đảo của Hy Lạp... Đồng thời theo ông Carter, các thành phố đăng cai Olympic 2024 cũng có xu hướng chứng kiến sự sụt giảm về du lịch. Vì Paris là trung tâm của Thế vận hội 2024 nên nhiều người có thể loại trừ khả năng lựa chọn Pháp là điểm đến du lịch nghỉ dưỡng vào mùa hè này.
Ngày 1/7, hãng hàng không Air France cũng đưa ra cảnh báo Thế vận hội Olympic có thể gây thiệt hại 200 triệu USD do giảm lượng khách đến Paris trong mùa hè. Dự kiến, khoảng 15 triệu du khách sẽ tham dự Olympic, trong đó có 2 triệu khách từ nước ngoài, theo Trung tâm Luật và Kinh tế thể thao (CDES), cơ quan giám sát Olympic cho Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) và Ban tổ chức Olympic Paris 2024. Điều này có thể khiến các du khách khác không muốn đến Paris du lịch.
Quả thực, theo những số liệu về tình hình du lịch Paris được công bố hàng tháng bởi Văn phòng du lịch Paris (Paris je t'aime), lượng khách đến qua đường hàng không quốc tế đã giảm 3,8% so với giai đoạn mùa hè năm 2023. Thời điểm trước khai mạc Thế vận hội từ 01 đến 25/07, lượng du khách đến thủ đô Pháp giảm 14%. Trong thời gian diễn ra Thế vận hội lượng khách quốc tế có tăng hơn 14% nhưng không đủ để bù cho sụt giảm tổng thể trong tháng 7.
Trong tuần từ 24 đến 30/6, các khách sạn tại Paris ghi nhận tỷ lệ kín phòng trung bình là 63%, theo dữ liệu từ MKG, văn phòng tư vấn lĩnh vực Khách sạn và du lịch, dựa trên bảng khảo sát 278 cơ sở khách sạn ở Paris. Cùng thời điểm đó vào năm 2023, con số này này dao động trong khoảng 80% đến 85%.
Trong nửa đầu tháng 7, một nửa số phòng khác sạn tại đây vẫn còn trống. Olivier Cohn, tổng giám đốc của tập đoàn khách sạn Best Western France cho biết: “Thông thường, tháng 6 là một trong những tháng tốt nhất đối với ngành khách sạn ở thủ đô, nhưng tháng này, các khách sạn ở Paris đã ghi nhận doanh thu giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái”.
Trên TikTok, nhiều người Paris đã lên tiếng cảnh báo du khách về những vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra trong sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. "Đừng đến Paris, hãy hủy bỏ mọi kế hoạch", Miranda Starcevic, một nhà sáng tạo nội dung người Mỹ gốc Pháp đang sống tại Paris, khẳng định trong đoạn video thu hút hơn 700.000 lượt xem trên TikTok của mình. Cô cho biết thêm, giới trung lưu Pháp không hề mong muốn Thế vận hội diễn ra vì cho rằng nó chỉ mang đến "tình rạng đông đúc và giao thông hỗn độn".
Không chỉ người dân, ban tổ chức và chính phủ Pháp cũng bày tỏ lo ngại về khả năng xảy ra các cuộc đình công của nhân viên vận tải hoặc thậm chí là khủng bố trong thời gian diễn ra Thế vận hội. Tessa Bicard, giám đốc điều hành một công ty mỹ phẩm tại Parisi, cũng tỏ ra lo lắng trên TikTok.
Cô cho biết giá vé quá đắt đỏ, trong khi các công trình xây dựng phục vụ Thế vận hội đang khiến cuộc sống hàng ngày trở nên bất tiện. “Nắng nóng kỷ lục, giá cả đắt đỏ và tình trạng đông đúc huyên náo trên các đường phố… Đây là một viễn cảnh dễ chịu gì của du lịch Pháp và châu Âu năm nay,” cô Bicard nói.