Hệ thống ngân hàng Italy lung lay vì kế hoạch ngân sách chính phủ
Các ngân hàng Italy rốt cục có thể sẽ phải trả giá vì mâu thuẫn giữa Chính phủ nước này với EU vì kế hoạch ngân sách
Italy đang có một cuộc tranh cãi gay gắt với Liên minh châu Âu (EU) về mức chi tiêu mà Chính phủ nước này dự kiến cho tài khóa sắp tới.
Theo trang CNN Business, các ngân hàng của Italy rốt cục có thể sẽ phải trả giá vì mâu thuẫn trên.
Ngày 23/10, Ủy ban châu Âu (EC) bác bỏ dự thảo ngân sách cho tài khóa tới của Chính phủ Italy - kế hoạch tăng mạnh chi tiêu, vi phạm các nguyên tắc của Liên minh châu Âu (EU) về ngân sách của các quốc gia thành viên. Italy hiện có hai lựa chọn là cắt giảm kế hoạch chi tiêu, hoặc chấp nhận bị EC phạt.
Diễn biến này đã khiến thị trường chứng khoán Italy giảm điểm và lợi suất trái phiếu chính phủ nước này tăng, đồng nghĩa với chi phí vay vốn của các doanh nghiệp tăng. Đồng Euro cũng giảm giá mạnh so với đồng USD.
Các ngân hàng Italy hiện đang nắm một phần lớn trong khối nợ 2,6 nghìn tỷ USD của Chính phủ nước này. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi giới đầu tư bán mạnh cổ phiếu ngân hàng Italy từ đầu năm đến nay trong bối cảnh trái phiếu Chính phủ Italy mất giá.
Một cuộc chiến kéo dài giữa Rome và EU về kế hoạch ngân sách có thể sẽ khiến giá trái phiếu chính phủ Italy giảm sâu hơn, đe dọa sức khỏe tài chính của hệ thống ngân hàng nước này.
"Các ngân hàng Italy đang đứng trước rủi ro trực tiếp do việc họ nắm giữ nợ chính phủ Italy", tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo vào tuần trước. "Nhiều ngân hàng ở nước này nắm giữ một tỷ lệ trái phiếu chính phủ Italy lớn so với mức vốn".
Những năm gần đây, các ngân hàng Italy đã chật vật với chi phí cao, lợi nhuận thấp và lượng nợ xấu hơn 200 tỷ Euro, tương đương 229 tỷ USD.
Giá cổ phiếu Banca Monte dei Paschi di Siena, ngân hàng lâu đời nhất thế giới, đã giảm 62% trong thời gian từ tháng 1 đến nay. Cổ phiếu ngân hàng Intesa Sanpaolo mất 29% giá trị trong cùng khoảng thời gian, trong khi cổ phiếu UniCredit sụt khoảng 28%.
Những cú giảm chóng mặt trên phản ánh nỗi lo của giới đầu tư về sức khỏe các ngân hàng Italy, cũng như việc cử tri nước này bầu ra một Chính phủ của các đảng dân túy. Kể từ khi lên cầm quyền, chính phủ mới của Italy đã nhiều lần đặt câu hỏi về việc liệu nước này có nên tiếp tục ở trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone.
Để tránh sự suy sụp của hệ thống ngân hàng, Italy đã chi hàng chục tỷ USD để bơm vốn cho các nhà băng trong những năm gần đây. Điều này càng gia tăng sức ép lên ngân sách chính phủ.
Một vòng luẩn quẩn diễn ra khi giá trái phiếu chính phủ giảm làm suy yếu tình hình tài chính của các ngân hàng nắm giữ nợ chính phủ. Các ngân hàng gặp vấn đề sẽ đề nghị Chính phủ giải cứu, khiến ngân sách chính phủ càng chịu áp lực lớn hơn.
Giới đầu tư đang lo ngại về sự lây lan rủi ro, bởi khoảng 1/5 nợ chính phủ của Italy nằm ở các quốc gia khác trong Eurozone.
"Các mắt xích thông qua hệ thống ngân hàng khiến Italy có sự ràng buộc chặt chẽ với các nước khác ỏ châu Âu", chuyên gia kinh tế trưởng Holger Schmieding thuộc Berenberg Bank nhận xét.
Điều khiến nhà đầu tư quan tâm vào lúc này là Italy sẽ phản ứng ra sao với "tối hậu thư" của EU. Italy có 3 tuần để điều chỉnh kế hoạch ngân sách.