Hết hạn, mới có 39 địa phương chi xong tiền hỗ trợ thuê nhà
Dù đã quá hạn, nhưng đến nay mới có 39 tỉnh hoàn thành giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động. Đáng chú ý, một số địa phương tỷ lệ giải ngân thấp như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Phòng...
Thông tin về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà
cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, tính đến hết ngày 6/9, tại 60 tỉnh, thành phố đã tiếp nhận được hơn 5,2 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3,7 nghìn tỷ đồng (tương đương với gần 58% kinh phí đề xuất ban đầu).
Đã phê duyệt được hơn 5 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3,6 nghìn tỷ đồng (96,6% số hồ sơ đề nghị) và thực hiện chi trả cho hơn 4,6 triệu lượt lao động với kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng (86,1 % số hồ sơ đã được phê duyệt; 83,3% số hồ sơ đề nghị). Riêng 3 tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng không có đối tượng hỗ trợ.
Hiện nay, có 39 tỉnh hoàn thành giải ngân 100% so với số đề nghị. Có một số địa phương tỷ lệ giải ngân thấp do có số lượng hồ sơ đề nghị lớn như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hưng Yên, Hải Phòng.
Về tiến độ giải ngân Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg tại các địa phương chậm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lý giải là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức; chưa quyết liệt trong việc triển khai chính sách; việc ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách còn chậm.
Trình tự, thủ tục thực hiện đã được đơn giản hóa trong Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, nhưng trong quá trình thực hiện tại một số địa phương, người sử dụng lao động yêu cầu người lao động cung cấp các giấy tờ bổ sung để chứng minh về tình trạng ở thuê, ở trọ như: Hợp đồng thuê nhà, giấy đăng ký kinh doanh của chủ nhà trọ, giấy đăng ký tạm trú. Từ đó, kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ xác minh tình trạng cư trú của người lao động.
Người sử dụng lao động chưa thực sự tìm hiểu về các điều kiện được hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, doanh nghiệp còn chưa chủ động trong việc triển khai thực hiện.
Nhiều doanh nghiệp sợ bị thanh, kiểm tra, liên đới trách nhiệm nên không thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn và lập danh sách đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Bên cạnh đó, việc lập và gửi hồ sơ đề nghị theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg còn muộn, do muốn gộp 3 tháng vào làm thủ tục 1 lần, nên đến giữa tháng 7/2022 hầu hết người sử dụng lao động mới tiến hành các thủ tục đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động…
Một số doanh nghiệp cung cấp thông tin chưa chính xác nên khi thẩm định phát hiện, gửi lại doanh nghiệp yêu cầu hoàn chỉnh lại hồ sơ; một số hồ sơ đã phê duyệt, chuyển kinh phí nhưng do sai số tài khoản nên chuyển trả lại.
Đáng chú ý, kinh phí đề nghị hỗ trợ đến nay thấp hơn dự kiến ban đầu khá nhiều (khoảng 54,83% so với 6.600 tỷ đồng). Lý do năm 2021 khi xây dựng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các địa phương báo cáo nhu cầu số lượng lao động và dự kiến kinh phí hỗ trợ lên tới khoảng 6.600 tỷ đồng.
Một số địa phương thống kê cả lao động đang làm việc không thuộc phạm vi, đối tượng áp dụng Quyết định, dự kiến số lao động quay trở lại thị trường lao động nhiều, kinh phí hỗ trợ dự kiến tính đủ 3 tháng tiền thuê nhà. Tuy nhiên, có nhiều người lao động chỉ thuê nhà và xin đề nghị hỗ trợ theo số tháng thực tế thuê nhà là 1 tháng hoặc 2 tháng.
Hiện nay các tỉnh, thành phố đang cố gắng thẩm định để giải ngân, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn để các tỉnh, thành phố đẩy nhanh hơn nữa tốc độ thẩm định, giải ngân.
Việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của các tỉnh sẽ là một trong những căn cứ để theo dõi, đánh giá kết quả việc tổ chức thực hiện chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội ở từng địa phương.