19:06 29/10/2016

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Làm luật”, không “phát chẩn”!

Nguyễn Lê

Thứ trưởng nói, cần bỏ tư duy Nhà nước sẽ làm “cái này, cái kia” cho doanh nghiệp sang một bên

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại phiên họp.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại phiên họp.
“Khổ lắm, ở đây không có đồng tiền nào thực, không phát chẩn cho doanh nghiệp nào cả, mà là thông qua các tổ chức trung gian để huy động nguồn lực”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông hồi âm băn khoăn của đại biểu Quốc hội xung quanh dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiều 29/10.

Đều thống nhất sự cần thiết hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng chất lượng dự án luật này vẫn khiến nhiều thành viên của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội băn khoăn.

Rất khó thực hiện

Từng đề nghị cần có luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng nhìn tổng thể, nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, bối cảnh nay đã khác thì tư duy về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng phải khác.

Ông Lộc nói, không nên “cắt khúc” để hỗ trợ riêng doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà nên thúc đẩy một luật sửa nhiều luật về đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển theo chuỗi, theo mạng.

“Chính phủ đang thiếu tiền, ngân sách đang khó khăn, hãy thực hiện tốt những chính sách đã có”, Chủ tịch VCCI nói.

Hỗ trợ tiếp cận tín dụng từ các ngân hàng là một trong những nội dung hỗ trợ cơ bản được quy định tại dự thảo.

Theo đó thì không chỉ có các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn mà  trong từng thời kỳ, Chính phủ sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện cấp bù lãi suất và các hình thức khác để hỗ trợ các ngân hàng cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc trường hợp được quy định tại luật này.

Băn khoăn về nội dung này, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Hữu Quang nêu con số đáng chú ý.

Đó là hiện nay Chính phủ đang nợ khoản cấp bù lãi suất cho hai ngân hàng chính sách làm nhiệm vụ cho vay ưu đãi đến hơn ba mươi ngàn tỷ.

Giờ lại đề nghị các ngân hàng hỗ trợ trong khi ngân hàng cũng hoạt động theo luật doanh nghiệp thì rất là khó.

“Dự thảo luật nêu kiến nghị tốt nhưng thực hiện rất khó, lẽ ra hỗ trợ phải từ tài khoá chứ không phải tiền tệ”, ông Quang nói.

Để minh chứng cho sự khó khăn của ngân sách, ông Quang khái quát, đầu nhiệm kỳ (2011 - 2015) bội chi 110 ngàn tỷ, cuối nhiệm kỳ gấp 2,5 lần. Nợ công từ 1,2 triệu tỷ cũng lên đến 2,7 triệu tỷ, nghĩa vụ trả nợ đã vượt quá ngưỡng an toàn.

Không nản lòng, không mệt mỏi

“Những con số anh Quang nêu rất ấn tượng, nhưng nếu có doanh nghiệp nhỏ và vừa ở đây thì họ sẽ đặt vấn đề là, không lẽ ba cái chuyện khó khăn đó của ngân sách là lỗi của doanh nghiệp nhỏ và vừa? Tôi không tiếp cận được đất đai, tín dụng, nhưng khi mất cân bằng cán cân thanh toán, anh lại đổ cho chúng tôi?”, Thứ trưởng Đông phản biện.

Hứa là sẽ tiếp thu tối đa những ý kiến hợp tình hợp lý, song Thứ trưởng Đông cũng tỏ vẻ ngạc nhiên khi mà cách lập luận tại phiên thảo luận toàn nghĩ là Nhà nước sẽ làm “cái này, cái kia” cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo ông thì cần bỏ cái tư duy đó ra một bên. Nhà nước chỉ làm dịch vụ công cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì họ đóng góp 30% ngân sách, 40% GDP, 60% việc làm nhưng chỉ được tiếp cận 20% nguồn vốn.

Trở lại băn khoăn về hỗ trợ, ông Đông khẳng định là sẽ không “cho không” doanh nghiệp nhỏ và vừa cái gì, chính sách từ luật là để huy động nhiều nguồn lực, đặc biệt là vốn khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm...

“Khổ lắm, ở đây không có đồng tiền nào thực, không phát chẩn cho doanh nghiệp nào cả, mà là thông qua các tổ chức trung gian để huy động nguồn lực”, Thứ trưởng nói.

Ông cũng khẳng định sẽ không yêu cầu ngân hàng làm cái gì trái quy định pháp luật.

Kết thúc phần giải trình, Thứ trưởng Đông tha thiết mong muốn Luật Hỗ trợ doanh nghệp nhỏ và vừa sớm được ra đời. Vì “tiền của dân còn xông xênh đến mức  đổ vào bán hàng đa cấp và một số việc có tính rủi ro cao khác đến hàng nghìn tỷ, thì chứng tỏ người ta đang bế tắc địa chỉ đầu tư, kinh doanh”.

“Có luật này thì dòng vốn của xã hội sẽ đổ vào kinh doanh bền vững, lành mạnh. Nếu còn thắc mắc thì chúng tôi không nản lòng và không mệt mỏi giải trình”, ông Đông nói.