14:38 18/08/2008

Hỗ trợ khẩn cấp cho 6 tỉnh miền núi phía Bắc

Đình Nam

Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp 221 tỷ đồng cho 6 tỉnh miền núi phía Bắc để khắc phục hậu quả mưa lũ

Bộ đội tham gia khắc phục sau cơn lũ.
Bộ đội tham gia khắc phục sau cơn lũ.
Thủ tướng đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp gần 221 tỷ đồng từ nguồn dự phòng Ngân sách Trung ương năm 2008, để giúp các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cụ thể, tỉnh Lào Cai được hỗ trợ 90 tỷ đồng; Yên Bái 60 tỷ đồng; Phú Thọ 30 tỷ đồng; Hà Giang 20 tỷ đồng; Tuyên Quang 10 tỷ đồng và tỉnh Sơn La 10 tỷ đồng để hỗ trợ những gia đình có người bị chết, bị thương, hỗ trợ đời sống, sửa chữa và khôi phục nhà ở, trường học, trạm y tế.

Thủ tướng yêu cầu xuất cấp (không thu tiền) 800 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh để cứu đói cho nhân dân vùng bị lũ lụt.

Mặc dù nguồn kinh phí này chỉ bằng 1/10 so với tổng thiệt hại trong đợt mưa lũ vừa qua song nó có vai trò quan trọng giúp người dân các tỉnh Tây Bắc nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất...

Tính đến hết ngày 16/8, số người chết do mưa lũ tại Tây Bắc đã lên đến 129 người, 32 người mất tích, thiệt hại về vật chất cũng hết sức nặng nề với trên 19.000 căn nhà bị sập đổ, hư hại, 17.000 ha lúa, hoa màu bị ngập úng, mất trắng... đặc biệt, hệ thống giao thông trong khu vực này bị sạt lở, làm sập, trôi hàng trăm cầu, cống. Ước tính thiệt hại tài sản lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Trước tình hình này, khôi phục giao thông để có thể tiến hành cứu trợ cho các vùng lũ được coi là ưu tiên hàng đầu. Vì vậy, ngay sau khi hết mưa lũ, hầu hết các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ cũng đã hoàn tất việc thông tuyến hầu hết các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn, song để đảm bảo an toàn giao thông ban đầu tại các tuyến quốc lộ cần phải san lấp khoảng 120.000 m3 đất đá bị sạt lở, khôi phục lại các cầu cống bị sập trôi với tổng kinh phí lên tới 35 tỷ đồng...

Về công tác phòng chống dịch bệnh, bên cạnh sự chủ động của các ngành y tế địa phương, Bộ Y tế cũng đã có nhiều công điện chỉ đạo việc tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ và tăng cường giám sát phát hiện sớm để xử lý kịp thời các dịch bệnh bùng phát sau lũ, cấp bổ sung hàng trăm cơ số thuốc, cho Sở Y tế các tỉnh.

Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, các bộ ngành, đoàn thể, các tỉnh Tây Bắc đã huy động mọi nguồn nội lực để nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ.

Tỉnh Lào Cai bị thiệt hại nặng nh t đã chỉ đạo quyết liệt việc vận chuyển lương thực, thuốc chữa bệnh vào các khu vực bị cô lập ở huyện Bát Xát, Sa Pa, Bảo Yên; tập trung các phương tiện thi công để sớm thông tuyến quốc lộ 4D, đảm bảo suốt quốc lộ 70, 279.

Tỉnh Phú Thọ đã chi 2,5 tỷ đồng hỗ trợ cho nhân dân vùng thiệt hại (gia đình có người thiệt mạng 3 triệu đồng/người, 1,5 triệu đồng/ người bị thương, 20 triệu đồng/ nhà bị trôi, 6 triệu đồng/ nhà bị sập đổ, 5kg gạo/1 khẩu phải di chuyển do ngập lũ).

Tỉnh Yên Bái đã lấy từ nguồn ngân sách địa phương ra để hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 3 triệu đồng, người bị thương 1 triệu đồng, nhà bị sập 5 triệu đồng/hộ...

Trong chuyến làm việc tại Yên Bái, Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng yêu cầu chính quyền các cấp ở Yên Bái phải đặc biệt chú trọng công tác cứu trợ, nhất là đối với các gia đình có người bị thiệt mạng và bị thương.

Phó thủ tướng nhất trí với những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách mà tỉnh đang tập trung chỉ đạo nhằm ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân và nhấn mạnh, qua đợt mưa lũ này, tỉnh cần rút kinh nghiệm để chủ động đề ra những giải pháp hiệu quả hơn nữa đối phó với mưa lũ thời gian tới, nhằm giảm tối đa thiệt hại về người và của cải.

Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh các địa phương phải nắm chắc danh sách, con số thiệt hại, báo cáo trung thực để thực hiện hoạt động cứu trợ đúng chế độ, đúng chính sách, đúng đối tượng... hết sức khẩn trương khắc phục hậu quả bão lũ, nhanh chóng ổn định đời sống nhân dân, không để xảy ra hiện tượng dân đói, dịch bệnh bùng phát, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho học sinh trong ngày khai trường sắp tới.